Ông Nguyễn Hồng Hải, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang nêu rõ: Với vị trí thuận lợi, là nơi giao thoa giữa hai vùng văn hóa Đông Bắc - Tây Bắc, Hà Giang từ lâu đã thu hút được sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước bởi sự phong phú và hấp dẫn của các nguồn tài nguyên du lịch. Là vùng đất có lịch sử văn hóa lâu đời, nơi hội tụ của 19 dân tộc, cùng với đó là hệ thống di tích lịch sử, di sản văn hóa, danh thắng đã được xếp hạng, tiêu biểu là danh thắng ruộng bậc thang Hoàng Su Phì và Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn.
Xác định phát triển du lịch bền vững là một trong 5 chương trình trọng tâm, những năm qua, Đảng bộ tỉnh Hà Giang đã xây dựng các nghị quyết chuyên đề, kế hoạch, dự án cụ thể để phát triển du lịch, tập trung vào việc khai thác tiềm năng du lịch theo điều kiện cụ thể của từng địa phương với mục tiêu: “Lấy văn hóa để phát triển du lịch, lấy du lịch để bảo tồn, phát triển văn hóa”. Theo đó, các địa phương trong tỉnh Hà Giang đã tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, các thiết chế văn hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch; bảo tồn các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của đồng bào các dân tộc; tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa đã được Nhà nước và tỉnh xếp hạng; phát huy các lễ hội truyền thống, nghi lễ tín ngưỡng dân gian, các làn điệu dân ca, dân vũ; xây dựng các làng văn hóa du lịch tiêu biểu gắn với xây dựng nông thôn mới để phục vụ du lịch…
Là một trong 4 địa phương vùng cao núi đá phía Bắc của tỉnh Hà Giang, huyện Đồng Văn trong những năm qua đã không ngừng nâng cao chất lượng các làng văn hóa đã được công nhận, lựa chọn để xây dựng và sau đó được tỉnh công nhận hai làng văn hóa du lịch cộng đồng là thôn Lũng Cẩm Trên (thuộc xã Sùng Là) và thôn Lô Lô Chải (thuộc xã Lũng Cú). Huyện đồng văn đã khảo sát việc hình thành 10 làng văn hóa đặc trưng của các dân tộc để thực hiện việc bảo tồn văn hóa các dân tộc huyện Đồng Văn, tiến tới xây dựng một số làng văn hóa du lịch tiêu biểu của dân tộc Mông, dân tộc Giáy và dân tộc Tày.
Ông Dinh Chí Thành, Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn, cho biết: Thời gian qua, UBND huyện đã chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt công tác bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị các di tích vật thể, phi vật thể, danh thắng của cộng đồng các dân tộc đã được công nhận như: Di tích kiến trúc nghệ thuật nhà Vương ở xã Sà Phìn; di tích lịch sử danh lam thắng cảnh Cột cờ Lũng Cú; di tích kiến trúc nghệ thuật phố cổ Đồng Văn; di tích khu vực hoa thạch Tay Cuộn ở xã Ma Lé. Đặc biệt, huyện Đồng Văn còn duy trì các làng nghề truyền thống đặc trưng của các dân tộc như: thêu trang phục dân tộc Lô Lô ở xã Lũng Cú; may áo Tà Pủ dân tộc Mông ở thị trấn Phó Bảng; đan lát ở thôn Mã Trề của dân tộc Cờ Lao xã Súng Lủng; chế tác khèn Mông ở xã Hố Quáng Phìn; làng nghề chạm bạc ở thôn Lao Sa thuộc xã Sủng Là…
Huyện Đồng Văn còn duy trì thường xuyên và phát triển một số sản phẩm đặc trưng trong văn hóa ẩm thực của các dân tộc, quan tâm tạo điều kiện việc bảo tồn phát triển bản sắc văn hóa dân tộc. Đồng thời, các nhà hàng, làng văn hóa du lịch cộng đồng cũng được đầu tư xây dựng quy mô, chất lượng phục vụ cơ bản và đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi, tham quan trải nghiệm của du khách. Huyện cũng tổ chức nhiều sự kiện giới thiệu vẻ đẹp văn hóa, thiên nhiên và con người Hà Giang gắn với quảng bá các sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh tại Đồng Văn như: Lễ hội Hoa Tam giác mạch, cuộc thi Marathon quốc tế chạy trên cung đường Hạnh Phúc… qua đó thu hút đông đảo du khách đến với tỉnh Hà Giang.
Có thể nói, việc bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống dân tộc gắn với phát triển du lịch đã từng bước đi vào chiều sâu, được tất cả các địa phương từ tỉnh đến cơ sở của Hà Giang triển khai sâu rộng. Nhiều loại hình du lịch được hình thành và phát triển như du lịch di sản, du lịch lễ hội, du lịch văn hóa ẩm thực... Các làng nghề truyền thống cũng được đầu tư phát triển, tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo của Hà Giang. Ngoài việc đầu tư, tôn tạo, trùng tu các công trình kiến trúc, nghệ thuật mang đậm nét văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số như: Phố cổ Đồng Văn, Dinh thự nhà Vương, tỉnh đã xây dựng sản phẩm du lịch mới dựa trên tiềm năng văn hóa di sản như: Tour “Chinh phục đỉnh Chiêu Lầu Thi”; “Dù lượn trên Cao nguyên đá”; Hẻm vực Tu Sản. Tỉnh cũng khôi phục và phát triển các lễ hội đặc sắc mang đậm nét văn hóa cộng đồng dân tộc như: Lễ hội Gầu Tào, Lễ hội Chợ tình Khau Vai, Lễ hội Khèn Mông, Lễ hội Hoa Tam giác mạch, Lễ hội Nhảy lửa của người Pà Thẻn…
Đặc biệt, mới đây, Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn đã vượt qua kỳ tái thẩm định, tiếp tục được trao danh hiệu của UNESCO nhiệm kỳ 2018 - 2022. Đây là thành quả cho những nỗ lực của tỉnh trong việc xây dựng và phát triển di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch của Hà Giang trong 4 năm qua.
Theo ông Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, với mục tiêu đến năm 2025 Hà Giang sẽ thu hút 3 triệu lượt khách du lịch, ngay trong những ngày cuối năm 2020 UBND tỉnh Hà Giang tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để thúc đẩy ngành du lịch phát triển. Tỉnh đề ra nhiệm vụ triển khai tốt các chương trình, kế hoạch, đề án về xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; thực hiện có hiệu quả việc đưa kỹ năng sống và văn hóa truyền thống các dân tộc vào chương trình giảng dạy trong các trường học. Tỉnh chú trọng bảo tồn, khôi phục, phát huy giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc Mông và tích cực nhân rộng trong đồng bào dân tộc thiểu số; nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo tồn và phát triển văn hóa đặc trưng của các dân tộc; tập trung xây dựng các làng văn hóa đặc trưng các dân tộc theo thứ tự ưu tiên vào các vùng trọng điểm; huy động nguồn lực phục vụ công tác trùng tu, bảo tồn di sản; tiếp tục phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo dựa trên tiềm năng di sản văn hóa…
Tỉnh đang nỗ lực xây dựng hình ảnh đẹp về Hà Giang, để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và là điểm đến của du khách trong và ngoài nước./.