Khung cảnh thơ mộng của Làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Lũng Cẩm, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà GiangTheo thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 50 lễ hội truyền thống, lưu giữ phong tục, tập quán đặc trưng của các dân tộc, 16 làng văn hóa du lịch cộng đồng (VHDLCĐ) gắn với văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Mông, Dao, Tày, Lô Lô, Giấy, Bố Y, La Chí… với tổng số 1.600 hộ và trên 7.000 nhân khẩu. Mỗi làng, thường là nơi một hoặc một vài dân tộc quây quần sinh sống theo phong tục, tập quán truyền thống, tạo nên bản sắc văn hóa đặc trưng.
Đơn cử như: Làng VHDLCĐ Lô Lô Chải (xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn), là nơi đồng bào dân tộc Mông và Lô Lô đen sinh sống trong những ngôi nhà trình tường mái lợp ngói máng, sinh sống chủ yếu bằng nghề dệt thổ cẩm, thêu và mộc; Làng VHDLCĐ thôn Hạ Thành (xã Phương Độ, thành phố Hà Giang), là nơi 120 hộ đồng bào dân tộc Tày quây quần, hiện còn giữ các nghề truyền thống như, nghề làm cối giã gạo sử dụng sức nước, nghề làm nhạc cụ, làm bánh dân tộc. Trong khi đó, Làng VHDLCĐ thôn Lũng Cẩm (xã Sủng Là, huyện Đồng Văn) - nơi tập trung sinh sống của 3 dân tộc Lô Lô, Mông, Hoa còn giữ gìn nguyên vẹn những ngôi nhà có lối kiến trúc truyền thống với mái lợp ngói hoặc tranh, tường được trình bằng đất sét và có hàng rào đá xám xếp bằng tay bên ngoài...
Những nét kiến trúc bản địa của Làng văn hóa du lịch cộng đồng Lô Lô ChảiBên cạnh đó, toàn tỉnh Hà Giang có 3 bảo vật quốc gia được Thủ tướng Chính phủ công nhận (Bia đá chùa Sùng Khánh, Chuông chùa Bình Lâm và đôi Trống đồng Lô Lô); 61 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh được xếp hạng (trong đó, có 31 di tích cấp quốc gia, 30 di tích cấp tỉnh); 24 di sản được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Đặc biệt, Di sản văn hóa thực hành Then Tày được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Công tác trùng tu, tôn tạo di tích được các cấp, ngành quan tâm, có 29/61 di tích xếp hạng được tu bổ, tôn tạo; 34 Di sản văn hóa phi vật thể được đầu tư phục dựng…
Vẻ đẹp hùng vĩ của ruộng bậc thang Hoàng Su PhìBản sắc văn hóa truyền thống ấy, chính là chất liệu để Hà Giang xây dựng nên những sản phẩm du lịch đặc trưng, độc đáo, thu hút du khách. Thông qua đó, người dân đã chủ động phát triển du lịch cộng đồng gắn với phát triển kinh tế, tạo sinh kế ổn định, nâng cao thu nhập và đời sống; đồng thời nâng cao ý thức trong việc khôi phục, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ môi trường sinh thái và tài nguyên du lịch.
Giống như lời khẳng định của Tiến sĩ Vũ Nam, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường Du lịch (Tổng Cục Du lịch – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) trong Hội thảo “Phát triển sản phẩm du lịch tỉnh Hà Giang giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn 2030” được tổ chức cuối năm 2024 tại Hà Giang: Môi trường văn hóa được xem là tài nguyên, cơ sở cho việc phát triển các hoạt động, dịch vụ du lịch tại điểm du lịch cộng đồng; làm tăng tính cạnh tranh, sự trải nghiệm, độc đáo, hấp dẫn của điểm đến. Những năm qua, tỉnh Hà Giang không chỉ coi trọng việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số, mà còn quan tâm xây dựng môi trường văn hóa tại các điểm đến, gắn với phát triển du lịch cộng đồng, bởi đây là cách phát triển bền vững, hiệu quả nhất.
Thực tế cho thấy, sức hấp dẫn của các di sản hùng vĩ như Cao nguyên đá, ruộng bậc thang; vẻ đẹp của đồng bào các dân tộc hòa trong thiên nhiên hùng vĩ, các món ăn dân tộc đặc sắc… là những điều mời gọi và níu chân du khách. Vì thế, Hà Giang tự hào là điểm đến của du khách đến từ gần 200 quốc gia, vùng lãnh thổ. Năm 2024, tỉnh đón 3,286 triệu lượt khách, doanh thu từ du lịch đạt 8.149 tỷ đồng. Năm 2023 được Tổ chức Giải thưởng Du lịch thế giới tôn vinh là Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á; năm 2024 là Điểm đến văn hóa khu vực hàng đầu châu Á.
Khách du lịch nước ngoài hòa mình vào không gian văn hóa tại Phố cổ Đồng VănNhững kết quả đó đã tạo ra nhiều công văn việc làm cho người dân; du lịch thực sự trở thành sinh kế và người dân ở nhiều nơi trong tỉnh giờ có thể sống bằng du lịch, dịch vụ với mức thu nhập từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng/hộ/năm. Du lịch góp phần vào sự phát triển của tỉnh, năm 2024 tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước đạt 7%.
Quyền giám đốc Sở VHTT&DL Nguyễn Thị Hoài cho biết thêm: Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị đã tạo bước đột phá về phát triển du lịch theo tinh thần Đại hội XVII Đảng bộ tỉnh đề ra; Hà Giang đã và đang có những chính sách phát triển du lịch bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế không làm ảnh hưởng đến sự bảo tồn các giá trị truyền thống.
Với sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, hệ thống các di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh được đầu tư, tôn tạo và phát huy vai trò trong phát triển KT - XH. Những nỗ lực bảo tồn nghề truyền thống, các lễ hội, diễn xướng dân gian đặc sắc gắn với thực hiện Nghị quyết 27 của Đảng bộ tỉnh về xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng đời sống văn minh… đã đưa người dân tham gia một cách chủ động vào việc bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa dân tộc trong giai đoạn hiện nay.
Tỉnh Hà Giang đã hình thành 3 không gian du lịch độc đáo, gồm: Không gian du lịch đồi núi thấp (Thành phố Hà Giang, các huyện Bắc Mê, Vị Xuyên, Bắc Quang) gắn với sản phẩm du lịch thương mại, nông nghiệp, đặc biệt là sản phẩm du lịch văn hóa, sinh thái và tâm linh. Tiếp đến là không gian du lịch đồi núi đất phía Tây (Huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần, Quang Bình) gắn với Di tích danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì cùng các sản phẩm du lịch sinh thái, cộng đồng và nghỉ dưỡng. Riêng không gian du lịch đồi núi đá phía Bắc trải dài 4 huyện: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc. Đây là vùng Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn và cũng là khu vực phát triển du lịch trọng điểm của tỉnh, được quy hoạch xây dựng để trở thành khu du lịch quốc gia; nơi đây gắn liền với sản phẩm du lịch sinh thái, văn hóa và thể thao mạo hiểm.