Vì sao EC lại rút “thẻ vàng” đối với khai thác thủy sản của Việt Nam, thưa Thứ trưởng?
Việt Nam là một trong những quốc gia sản xuất và xuất khẩu thuỷ hải sản đứng thứ 3 thế giới, sau Trung Quốc và Na Uy. Trong đó, EU là một trong 3 thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam, chiếm 15 - 17% tổng số xuất khẩu thủy hải sản.
Tuy nhiên, việc quản lý nguồn lợi và khai thác thủy hải sản vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, phát triển thiếu bền vững, chưa đáp ứng đầy đủ các quy định pháp lý về quản lý nghề cá. Vì vậy, ngày 23/10/2017, EC đã cảnh báo “thẻ vàng” đối với sản phẩm thủy hải sản khai thác của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường EU vì chưa đáp ứng quy định chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (Khai thác IUU).
Thứ trưởng có thể cho biết tác động của “thẻ vàng” đối với hoạt động xuất khẩu thủy hải sản Việt Nam sang EU?
Phát triển kinh tế biển đã đóng góp một phần quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam; tạo công ăn việc làm cho hơn 800 nghìn ngư dân và khoảng 4 triệu lao động làm các nghề dịch vụ thuỷ sản ven biển. Việc bị EC áp “thẻ vàng” gây thiệt hại lớn cho hoạt động xuất khẩu thủy hải sản của Việt Nam vào EU. Tính đến năm 2023, mặc dù hoạt động xuất khẩu thuỷ hải sản của Việt Nam vào EU chưa bị dừng hẳn nhưng đã giảm khá rõ.
Tác động gián tiếp là giảm sút uy tín, gia tăng gánh nặng kiểm soát hải quan đối với sản phẩm nuôi trồng thuỷ hải sản xuất khẩu vào EU và không tận dụng được thế mạnh của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Nếu lệnh cấm kéo dài có thể gây gián đoạn xuất khẩu thủy hải sản Việt Nam, ảnh hưởng đến đời sống của cộng đồng ngư dân ở 28 tỉnh, thành phố ven biển và mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu hằng năm từ 7 - 9% và đạt 16 - 18 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu vào năm 2030.
Việt Nam đã có những nỗ lực nào để gỡ “thẻ vàng” của EC, thưa Thứ trưởng?
Ngay sau khi EC cảnh báo “thẻ vàng”, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Ban, Bộ, ngành Trung ương và các địa phương, nhất là 28 địa phương ven biển đã chỉ đạo, tổ chức thực hiện các khuyến nghị từ EC về chống khai thác IUU. Cùng với việc hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, tổ chức triển khia trong thực tiễn thì Việt Nam đã tích cực tham gia vào các điều ước quốc tế nhằm xây dựng một khuôn khổ pháp lý hoàn thiện điều chỉnh hoạt động khai thác IUU. Sau 4 lần sang kiểm tra tính từ năm 2017, gần đây nhất là vào tháng 10/2023, các đoàn công tác EU đều đánh giá rất cao nỗ lực của phía Chính phủ Việt Nam trong quyết tâm nỗ lực gỡ “thẻ vàng” IUU.
Tình hình sẽ như thế nào trong nếu chúng ta không gỡ được “thẻ vàng” của EC, thưa Thứ trưởng?
Dự kiến trong tháng 4/2024, EC sẽ trở lại lần thứ năm và đưa ra quyết định về việc có gỡ hay không đối với cảnh báo “thẻ vàng” cho sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam. Nếu không được EC gỡ “thẻ vàng”, thủy hải sản của Việt Nam vào châu Âu bị kiểm hết tất cả các lô hàng trong 1 container, chi phí tốn 800 bảng Anh (khi không vướng “thẻ vàng”, chỉ cần kiểm đại diện 1 lô). Tình hình tệ hơn nữa là “thẻ đỏ”, EU sẽ không nhập thủy hải sản của Việt Nam, ngành hàng này của DN và nông dân sẽ điêu đứng. Việc quan trọng thứ 2 là nhiều nước khác cũng đang muốn áp dụng các quy định như EC, viễn cảnh này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến Việt Nam.
Trong tháng 4/2024, để gỡ “thẻ vàng” thì cần tập trung khắc phục những tồn tại gì, thưa Thứ trưởng?
Đầu tiên là khắc phục tình trạng tàu cá, ngư dân vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Bên cạnh đó phải kiểm soát thực trạng đội tàu cá tại địa phương. Hiện cả nước vẫn có khoảng 17.364 tàu “03 không” (không đăng ký, không đăng kiểm, không cấp phép), chiếm 20,10% đội tàu cả nước. Ngoài ra cần xử lý tình trạng tàu cá vi phạm quy định ngắt kết nối VMS. Từ đầu năm 2023 đến nay xảy ra gần 5.000 lượt tàu mất kết nối trên 10 ngày...
Thứ trưởng có thể cho biết những giải pháp cấp bách nhất cần triển khai trong thời điểm then chốt này để gỡ “thẻ vàng” của EC?
Từ nay đến khi đoàn công tác của EC sang Việt Nam lần thứ năm là không còn nhiều. Việc gỡ “thẻ vàng” là vấn đề cấp bách không chỉ của riêng ngành Nông nghiệp mà là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, của các cộng đồng ngư dân.
Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị Chính phủ sớm thông qua, ban hành 02 Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 26/2019/NĐ-CP, Nghị định số 42/2019/NĐ-CP. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Ban, Bộ, ngành, địa phương có liên quan thực hiện nghiêm túc Công điện số 1058/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các ý kiến chỉ đạo của Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU.
Trong đó, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công an và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển tiếp tục thực hiện toàn diện, đồng bộ các giải pháp, tạo sự chuyển biến trong ngăn chặn tàu cá vi phạm bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài đến tháng 4/2024; Bộ Công an thực hiện đợt cao điểm đến tháng 4/2024 trong điều tra, ngăn chặn, xử lý các hành vi môi giới, móc nối; đưa ra truy tố, xét xử các trường hợp vi phạm.
Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển cần tập trung nguồn lực, chỉ đạo thực hiện cao điểm xác minh, xử lý triệt để các trường hợp vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, ngắt kết nối VMS… tạo bước đột phá trong công tác thực thi pháp luật. Đồng thời theo dõi, kiểm soát chặt chẽ tàu cá của tỉnh và ngoài tỉnh hoạt động tại địa phương, giám sát chặt chẽ sản lượng thủy sản khai thác bốc dỡ qua cảng cá chỉ định, kể cả các cảng cá, bến cá tư nhân, đảm bảo truy xuất được nguồn gốc.
Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!