Nắm bắt thời cơ “vàng”
Trà Vinh có vị trí địa lý nằm giáp biển, diện tích tự nhiên hơn 2.391 km2, có 65 km bờ biển với diện tích ngư trường khá rộng lớn. Các đơn vị hành chính trực thuộc tỉnh, như: Duyên Hải, thị xã Duyên Hải, Cầu Ngang, Trà Cú, Châu Thành là những địa phương ven biển, có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế ở cả 2 lĩnh vực đánh bắt và nuôi trồng thủy, hải sản.
Ông Nguyễn Quỳnh Thiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh cho biết, với sự hỗ trợ của Trung ương, tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều dự án, tập trung đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho yêu cầu phát triển kinh tế biển, nhằm phát triển nhanh, bền vững nghề nuôi trồng thủy sản vùng nước lợ, vùng ngập mặn và nghề khai thác biển.
Đến nay, toàn tỉnh có diện tích nuôi tôm trên 57.000 ha, sản lượng thuỷ, hải sản hằng năm được đánh bắt và nuôi trồng đạt trên 220.800 tấn. Tổng giá trị sản xuất thủy sản bình quân của tỉnh hiện đạt trên 10.000 tỷ đồng và giá trị sản xuất nuôi trồng thủy sản đạt hơn 300 triệu đồng/héc ta.
Cùng với phát triển nghề nuôi trồng, đánh bắt, Trà Vinh còn phát triển mạnh mẽ nguồn năng lượng tái tạo từ lợi thế biển của tỉnh. Cụ thể, UBND tỉnh Trà Vinh đã quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư 9 Dự án điện gió; trong đó, có 5 công trình điện gió được vận hành hòa vào lưới điện quốc gia. Các công trình điện gió trải dài từ vùng biển xã Hiệp Thạnh, thị xã Duyên Hải đến xã Đông Hải, huyện Duyên Hải, với tổng vốn đầu tư hơn 16.000 tỷ đồng, tổng công suất 322MW.
Theo tính toán của Sở Công thương các công trình đang cung cấp nguồn năng lượng sạch, với sản lượng điện khoảng 1.200 triệu kWh/năm, doanh thu đạt trên 1.300 tỷ đồng, nộp ngân sách 500 tỷ đồng. Các công trình này, đang làm “bừng sáng” trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế khu vực biên giới biển (KVBGB) của tỉnh Trà Vinh.
Tạo bứt phá xây dựng KVBG phát triển bền vững
Trong chủ trương phát triển kinh tế biển ở ĐBSCL, Trà Vinh được Chính phủ chọn làm tỉnh trọng điểm phát triển cả về thủy sản lẫn thế mạnh trong giao lưu quốc tế, phát triển cảng nước sâu với vai trò khu vực.
Thực hiện chủ trương này, Trà Vinh đã được Trung ương đầu tư các công trình trọng điểm quốc gia phục vụ cho yêu cầu phát triển kinh tế biển cho khu vực ĐBSCL; trong đó Trà Vinh đóng vai trò trung tâm. Cụ thể tỉnh được đầu tư xây dựng Trung tâm Nhiệt điện Duyên Hải; luồng cho tàu biển có trọng tải lớn vào sông Hậu; Khu kinh tế Định An-một trong 8 Khu kinh tế ven biển được ưu tiên đầu tư giai đoạn 2016-2020 của cả nước. Đây là khu kinh tế ven biển tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực về các ngành sản xuất điện năng, hóa dầu, đóng tàu và các ngành công nghiệp phụ trợ khác, hướng đến phát triển bền vững, sớm đưa tỉnh Trà Vinh trở thành lmột trong những tỉnh trọng điểm phát triển kinh tế biển của quốc gia.
Trong chương trình công tác tại ĐBSCL vừa qua ( ngày 15/10), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Trà Vinh về tình hình kinh tế-xã hội; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; xem xét các đề xuất, kiến nghị nhằm thúc đẩy tỉnh phát triển nhanh, bền vững. Tại buổi làm việc này Thủ tướng cũng đã nhìn nhận, Trà Vinh là tỉnh hội tụ nhiều tiềm năng, thế mạnh; có vị trí chiến lược về kinh tế, quốc phòng, an ninh.
Thực tế cho thấy, với 65 km đường bờ biển, Trà Vinh có tuyến đường ra biển quan trọng của vùng ĐBSCL, là tỉnh trọng điểm về kinh tế biển, có tiềm năng lớn về nông sản, thủy hải sản giá trị cao; đất đai màu mỡ, đa dạng vùng sinh thái; đầy đủ cơ sở để trở thành một trung tâm năng lượng với tài nguyên rất lớn về năng lượng tái tạo.
Cùng với đó, Trà Vinh có điều kiện tốt cho phát triển du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử dựa trên điều kiện tự nhiên đặc sắc, văn hóa phong phú, đa dạng của các dân tộc (Kinh, Khmer, Hoa), nhiều thắng cảnh và di tích lịch sử, lễ hội. Tỉnh có nguồn lao động trẻ dồi dào, con người nhân văn, trượng nghĩa, can trường, chất phác, cởi mở.
Đặc biệt, tỉnh có truyền thống cách mạng, đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm, khát vọng phát triển; đã xác định rõ quan điểm phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, lấy kinh tế nông nghiệp làm nền tảng, kinh tế biển làm động lực, gắn chuyển đổi số, bảo vệ tài nguyên, môi trường, tiến bộ xã hội...
Với những điều kiện thuận lợi từ tiềm năng, cùng sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương, Trà Vinh đang tiếp tục mời gọi các thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh các ngành nghề biển. Cùng đó, Tỉnh chú trọng thực hiện những chính sách ưu đãi thu hút đầu tư các dự án để phát triển cho nghề nuôi trồng, chế biến thủy sản có qui mô lớn về qui trình kỹ thuật khoa học - công nghệ cao để nâng cao chuỗi giá trị, tạo ra sản phẩm đủ sức cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu.
Ông Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh khẳng định, được sự quan tâm chỉ đạo từ Trung ương, Trà Vinh cũng đã đưa ra kế hoạch thực hiện đạt mục tiêu Chương trình phát triển kinh tế biển. Theo đó, tỉnh đang tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp như, tập trung rà soát, điều chỉnh và xây dựng đồng bộ các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế biển; phát triển khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản, phát triển kinh tế biển và ven biển; đẩy mạnh thu hút đầu tư cho chế biến và tiêu thụ sản phẩm thủy sản; phát triển Khu Kinh tế Định An, các khu công nghiệp trong Khu kinh tế và công nghiệp ven biển, các dự án đầu tư trọng điểm phục vụ phát triển kinh tế biển một cách hiệu qủa nhất.
Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị đóng trên địa bàn các xã, huyện KVBGB quan tâm, tạo sinh kế hỗ trợ kịp thời để ngư dân, đồng bào có việc làm, thu nhập ổn định chung tay cùng chính quyền địa phương thực hiện tốt các phong trào thi đua, tiếp tục xây dựng và phát triển kinh tế KVBGB bền vững, hướng đến tất cả các xã đạt chuẩn NTM nâng cao theo lộ trình đề ra.
"Đây là tiền đề trong việc triển khai thực hiện hiệu quả công tác quy hoạch, phát triển, quản lý vùng trồng trọt và chăn nuôi thuỷ sản KVBGB, góp phần làm thay đổi cơ cấu kinh tế KVBGB trong những năm qua, đưa tăng trưởng GRDP 9 tháng đầu năm 2023 của Trà Vinh đứng 2/13 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long", Chủ tịch tỉnh Lê Văn Hẳn chia sẻ.