Ông có thể chia sẻ khái quát về tình hình đời sống của đồng DTTS trên địa bàn tỉnh Trà Vinh?
Trà Vinh là tỉnh ven biển thuộc Đồng bằng Sông cửu Long, có các thành phần dân tộc cùng sinh sống như Kinh, Khmer, Hoa, Chăm, với những nét văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau, tạo nên bản sắc văn hóa phong phú, đa dạng.
Nhìn chung, tình hình kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào DTTS tỉnh Trà Vinh hiện nay, đặc biệt là dân tộc Khmer, có tỷ lệ dân số cao nhất trong các DTTS trên địa bàn đang có nhiều chuyển biến tích cực. Kết quả này, là nhờ đồng bào được thụ hưởng nguồn lực đầu tư từ các chương trình chính sách dân tộc, chính sách đặc thù dành cho đồng bào Khmer.
Đặc biệt là nguồn vốn đầu tư từ các Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM; giảm nghèo bền vững; Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 đang được các địa phương triển khai quyết liệt trong những năm gần đây.
Các nguồn lực đầu tư hỗ trợ từ các chương trình MTQG được các địa phương thụ hưởng tập trung vào xây dựng cơ sở vật chất, hỗ trợ giống vật nuôi, cây trồng có hiệu quả kinh tế cao, thực hiện chuyển dịch cơ cấu phát triển kinh tế trong vùng đồng bào DTTS. Trong đó, nhiều dự án triển khai thực hiện đang góp phần hình thành và phát triển các làng nghề và nhiều tổ hợp tác, hợp tác xã hoạt động có hiệu quả thu hút các hộ dân tham gia là thành viên; hoặc liên kết đầu tư để tăng thu nhập. Qua đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm, thay đổi cơ bản bộ mặt vùng DTTS, nâng cao đời sống bà con.
Năm 2022, Trà Vinh đã giảm được 1,31% hộ nghèo vùng đồng bào DTTS; đưa 2/2 xã ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn là xã Ngãi Xuyên và Hàm Giang, huyện Trà Cú; đưa 2/10 ấp ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn gồm, ấp ÔkaĐa xã Phước Hảo, huyện Châu Thành và ấp Trà Cú C, xã Kim Sơn, huyện Trà Cú
Được biết, để phát triển bền vững vùng đồng bào Khmer, tỉnh Trà Vinh đã chuẩn bị tốt các điều kiện để triển khai Chương trình MTQG 1719. Những nội dung, dự án nào đã được tỉnh ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 1, thưa ông?
Triển khai Chương trình MTQG 1719, tỉnh Trà Vinh thực hiện 10 dự án, với nhiều tiểu dự án gồm: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc; phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch; chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS, phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn; truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào DTTS, kiểm tra, giám sát đánh giá việc tổ chức thực hiện Chương trình.
Theo kế hoạch, năm 2023, tỉnh sẽ tập trung hỗ trợ đất ở cho hơn 40 hộ DTTS, nhà ở cho hơn 525 hộ, chuyển đổi nghề cho khoảng 275 hộ, nước sinh hoạt phân tán cho 38 hộ, đầu tư xây dựng hai công trình nước tập trung. Đồng thời, tỉnh thực hiện một dự án trồng cây dược liệu quý tại huyện Trà Cú; hỗ trợ xây dựng mô hình khởi nghiệp; tạo việc làm, tăng thu nhập cho hơn 60% hộ đồng bào DTTS và hộ nghèo dân tộc Kinh, cận nghèo ở ấp đặc biệt khó khăn.
Cùng với đó, tỉnh xây dựng mới 58 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS; tiếp tục thực hiện 16 công trình chuyển tiếp của năm 2022; duy tu, bảo dưỡng 36 công trình; đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp 6 công trình chợ vùng đồng bào DTTS (xây dựng mới 1 chợ tại huyện Cầu Kè; cải tạo, nâng cấp 4 chợ ở huyện Cầu Ngang và một chợ ở huyện Cầu Kè).
Đến nay, việc triển khai Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đã đạt được kết quả như thế nào, thưa ông?
Trong năm 2022, Trà Vinh được Trung ương phân bổ 315,3 tỷ đồng để thực hiện 3 Chương trình MTQG. Tỉnh phân bổ 172 tỷ đồng vốn đối ứng thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM. Kết quả giải ngân vốn đến hết năm 2022, là trên 320 tỷ đồng, đạt 66%. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương giải ngân 165,8 tỷ đồng, đạt 52,6%; vốn ngân sách tỉnh đối ứng giải ngân trên 155 tỷ đồng, đạt 90,2%.
Năm 2023, thực hiện Chương trình MTQG 1719, Trà Vinh được phân bổ trên 451 tỷ đồng; trong đó Ngân sách Trung ương là trên 407 tỷ 203 triệu đồng đồng (trong đó, vốn kế hoạch giao là 301 tỷ 876 triệu đồng; vốn năm 2022 chuyển sang là trên 105 tỷ 324 triệu đồng); vốn sự nghiệp là gần 233 tỷ đồng. Đến hết ngày 15/6/2023, đã giải ngân được gần 47 tỷ tỷ đồng, đạt 10, 70%. Tỉnh đang ước đạt giải ngân đến 31/12/2023, là 312 tỷ 054 triệu đồng, đạt 71,66%.
Theo đó, tỉnh Trà Vinh đã triển khai thực hiện đồng bộ 10 dự án Chương trình MTQG 1719. Điển hình như, thực hiện Dự án 1: giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, đến nay các huyện đã thực hiện hỗ trợ được 194/525 căn nhà ở, chuyển đổi nghề cho 21 hộ.
Riêng việc hỗ trợ đất ở cho 40 hộ, nước sinh hoạt cho 38 hộ và xây dựng 3 công trình nước tập trung ở huyện Trà Cú còn chậm, do việc tìm quỹ đất phù hợp ở địa phương mất nhiều thời gian. Đặc biệt, khả năng thừa vốn ở dự án 1 này là hơn 79 tỷ 737 triệu đồng (khoảng 66,95% kinh phí) do địa bàn thu hẹp, không còn đối tượng hưởng lợi.
Hay đối với Dự án 4 về đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng DTTS và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công, tiến độ thực hiện đến nay đã có 59/64 công trình triển khai thi công, trong đó 41 công trình hoàn thành; 19/33 công trình được duy tu, bảo dưỡng hoàn thành...
Đặc biệt, Dự án 6 về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch, do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm chủ dự án, với nguồn vốn sự nghiệp giao là trên 18 tỷ, 502 triệu đồng; Dự án 9 đầu tư phát triển nhóm DTTS rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn do Ban Dân tộc làm chủ dự án, với nguồn vốn sự nghiệp là 2 tỷ 339 triệu đồng.Hai đơn vị đang quyết tâm triển khai các bước thực hiện, ước giải ngân đến 31/12/2023 sẽ đạt 100% kế hoạch được giao.
Với những nỗ lực triển khai các chương trình chính sách dân tộc, nhất là việc thực hiện 3 chương trình MTQG, kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2022 theo chuẩn nghèo đa chiều Quốc gia, tỉnh Trà Vinh đã giảm 1,68% tỷ lệ hộ nghèo so với năm 2021.
Theo đó, hiện nay tình hình kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS trong tỉnh tiếp tục ổn định và phát triển; các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các chỉ thị, nghị quyết của tỉnh ban hành phù hợp với thực tiễn, nhất là các chính sách dân tộc, chính sách an sinh xã hội, tạo không khí phấn khởi trong đồng bào dân tộc.
Hệ thống chính trị vùng đồng bào dân tộc ngày càng được củng cố; công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, quản lý, sử dụng đội ngũ cán bộ dân tộc được quan tâm bồi dưỡng đào tạo, qua đó, đã xây dựng được đội ngũ cán bộ người dân tộc đủ năng lực để bố trí giữ các chức vụ chủ chốt trong cấp ủy, chính quyền các cấp, đảm bảo tính kế thừa.
Ông cho biết thêm về những khó khăn, vướng mắc và giải pháp của địa phương để đảm bảo tiến độ, đạt mục đích, ý nghĩa Chương trình MTQG đặt ra?
Việc thực hiện các nội dung, dự án Chương trình MTQG 1719 địa phương gặp một số vướng mắc như, nhiều văn bản hướng dẫn chưa rõ. Mặc dù đến nay các văn bản pháp lý của Trung ương đã được điều chỉnh, bổ sung, tuy nhiên, có những dự án phải chờ Hội đồng Nhân dân tỉnh ban hành mới đủ cơ sở thực hiện; cũng do vướng mắc về văn bản pháp lý nên nguồn vốn năm 2022 chuyển sang 2023 nhiều, khiến cho khối lượng công việc giải ngân trong năm rất lớn. Những nguyên nhân dẫn đến tiến độ giải ngân nhiều dự án còn chậm.
Bên cạnh đó, việc điều tra xác định đối tượng hưởng lợi và địa bàn thụ hưởng chính sách được thực hiện từ năm 2019, nhưng đến cuối năm 2022 Trung ương mới phân bổ vốn thực hiện, do vậy đối tượng thụ hưởng chính sách giảm dần (do thoát nghèo) và địa bàn thực hiện bị thu hẹp (tỉnh không còn xã ĐBKK)...dẫn đến tình trạng thừa vốn ở một số nội dung...
Để giải quyết những khó khăn trên, Ban Dân tộc tỉnh- cơ quan thường trực Chương trình tiếp tục tham mưu cho tỉnh thực hiện tốt chức năng điều phối; tăng cường công tác phối hợp với các cấp, ban ngành để tổ chức thực hiện Chương trình đúng tiến độ, kế hoạch giai đoạn 2021-2025. Chú trọng tăng huy động vốn từ ngân sách địa phương, các nguồn lực huy động hợp pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả các nội dung, dự án...Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tầng lớp Nhân dân, nhất là đồng bào DTTS về Chương trình, góp phần tạo đồng thuận và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường vươn lên của người nghèo, của đồng bào DTTS...
Trân trọng cảm ơn ông!