Điều đáng nói, đây không phải là trường hợp hy hữu mà thực tế, hiện tượng này vẫn còn khá phổ biến. Tính riêng trên địa bản Tây Nguyên, nơi có khoảng 2,5 triệu ha đất rừng. Thế nhưng hiện nay, chính quyền mới giao được gần 130 nghìn ha đất rừng cho hộ gia đình, cá nhân và nhóm hộ đồng bào DTTS ở các thôn, bon, buôn, làng; trong đó, giao cho cộng đồng chỉ có 26 nghìn ha. Tỉnh Đăk Nông là địa phương giao rừng, đất rừng cho đồng bào DTTS tại chỗ thấp nhất chỉ có hơn 4,9 nghìn ha; trong đó, giao cho các hộ gia đình, cá nhân chỉ có 553ha rừng, đất rừng.
Một trong những lý do, mà các chủ sử dụng này đưa ra khi không muốn chuyển giao cho hộ đồng bào DTTS là sợ bị mất rừng, khó quản lý. Đây rõ ràng là một lý do rất khó chấp nhận. Bởi lẽ, trước khi các chủ sử dụng này tiếp quản bảo vệ rừng, cộng đồng các DTTS đã là chủ rừng, khi đó, rừng được bảo vệ nghiêm ngặt bởi luật tục, ý thức của người dân. Thời gian vừa qua, rừng bị tàn phá nghiêm trọng không thể không nói đến trách nhiệm của các chủ sử dụng này.
Thẳng thắn nhìn nhận, việc giữ đất rừng của các chủ sở hữu lớn hiện nay vẫn lẩn khuất trong đó lợi ích nhóm. Việc trì hoãn giao đất cho người dân không nằm ngoài lý do thật sự này.
Đã đến lúc, chúng ta cần nhìn nhận giao đất giao rừng cho đồng bào DTTS không chỉ là mong muốn chính đáng của người dân mà cần nhìn từ phía chủ sử dụng hiện tại. Việc bàn giao này cần được quy định cụ thể rõ ràng về trách nhiệm thậm chí đòi hỏi cả về mặt lương tri, ý thức sẻ chia nguồn lợi hợp pháp từ rừng với đồng bào DTTS.
Về phía cơ quan nhà nước không thể chỉ kêu gọi, vận động, tuyên truyền chung chung rồi chờ đợi các chủ sử dụng này bàn giao đất cho người dân. Thời gian tới, các cơ quan nhà nước cần tích cực hơn trong việc vào cuộc rà soát diện tích rừng mà các ban quản lý, công ty lâm nghiệp quản lý kém để mạnh tay thu hồi giao lại cho người dân.
KẺ SĨ