Dân số đông, tỷ lệ người trong độ tuổi lao động lớn, nhưng một vấn đề luôn làm các cấp ủy, chính quyền tỉnh Nghệ An trăn trở bao năm qua, là số lượng lao động không có việc làm ổn định tại các huyện vùng DTTS&MN Nghệ An còn rất nhiều. Bên cạnh đó, cơ cấu lao động cũng rất bất cập dẫn tới người lao động khó tìm kiếm việc làm.
Thiếu việc làm ổn định
Ở Quỳ Hợp, nhìn một cách tổng thể, hiện nay, toàn huyện miền núi này có hàng trăm doanh nghiệp hoạt động, kinh doanh, khai thác… khoáng sản; địa phương cũng có nhiều lâm trường cùng với diện tích đồi núi lớn… nên cơ hội tìm kiếm được việc làm đối với người lao động là tương đối cao. Tuy nhiên, tỷ lệ lao động có việc làm ổn định vẫn đang rất thấp.
Theo anh Lương Văn Nam ở xã Châu Quang chia sẻ, làm công nhân các doanh nghiệp khai khoáng thì vất vả, bụi bặm, nguy hiểm đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng nên anh lựa chọn làm tự do. Khi thì bóc vỏ keo, khi thì làm thợ xây… Công việc vì thế mà cũng không ổn định nên thu nhập bấp bênh.
Qua thống kê, toàn huyện Quỳ Hợp có 86.086 người trong độ tuổi lao động, nhưng số người có việc làm ổn định là 10.534 người, chiếm 12,23% dân số trong độ tuổi lao động. Ông Lương Văn Thanh, Phó phòng LĐTB&XH huyện Quỳ Hợp thông tin: Huyện có 14/21 xã đặc biệt khó khăn, địa hình đồi núi, dân cư thưa thớt, trình độ dân trí còn nhiều bất cập. Chính vì vậy, việc tìm kiếm việc làm, tạo thu nhập cho gia đình của mỗi người dân còn gặp nhiều khó khăn.
Kể từ khi UBND huyện Quỳ Hợp ban hành Quyết định 854 ngày 03/6/2021 phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư tạo việc làm và xuất khẩu lao động trên địa bàn huyện Quỳ Hợp giai đoạn 2021 - 2025”, tuy tỷ lệ lao động có việc làm đã tăng lên, nhưng vẫn còn số lượng lớn lao động chưa có việc làm ổn định.
Tương tự như ở Quỳ Hợp các huyện vùng DTTS&MN khác như, Quế Phong, Quỳ Châu, Con Cuông, Kỳ Sơn…, tỷ lệ lao động thiếu việc làm ổn định đều còn tương đối lớn.
Đơn cử như ở huyện 30a Kỳ Sơn, tỷ lệ hộ nghèo hiện này là 54,36% và hộ cận nghèo chiếm tỷ lệ 15,98%. Từ năm 2020 đến nay, trung bình hàng năm có từ 10.000 - trên 13.000 lao động tự tìm việc làm. Lãnh đạo huyện Kỳ Sơn cho rằng: trên địa bàn huyện, đời sống người dân phụ thuộc vào nông, lâm nghiệp là chính. Đa số người dân nếu không đi làm thuê, tự tìm việc làm... thì không biết làm gì. Nhưng có được việc làm cũng rất bấp bênh, thiếu ổn định.
Gia đình anh Già Tông Bì ở bản Phà Chiếng, xã Mỹ Lý (Kỳ Sơn) là một ví dụ. Cuối tháng 3/2023, Già Tông Bì rời quê đi tìm việc ở miền Nam. Những ngày đầu, vợ chồng anh đi làm thuê công nhật, ai thuê gì làm nấy.
Hiện nay, vợ chồng anh và một số người cùng quê đã xin được việc cạo mủ cao su, tiền công 300 ngàn đồng/ngày nhưng “Hết mùa cạo mủ cao su thì vợ chồng cũng chưa biết được sẽ tìm việc gì, nên cuộc sống cũng bấp bênh, thu nhập không ổn định, trong khi tiền thuê nhà, tiền ăn uống thì vẫn phải chi thường xuyên”, Già Tông Bì tâm sự.
Qua tìm hiểu, hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của vùng DTTS&MN nhìn chung vẫn còn còn cao, nhiều huyện có tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 50%. Cùng với đó, việc làm không ổn định, thu nhập bấp bênh… đang là thực tế đáng lo, ảnh hưởng rất lớn đến đảm bảo an sinh xã hội.
Cơ cấu việc làm bất cập
Mặc dù ở nhiều địa phương vùng đồng bào DTTS&MN Nghệ An có tiềm năng về thị trường lao động, nhưng lực lượng trong độ tuổi lao động vẫn thiếu làm, điều này bắt nguồn từ nguyên nhân chính là năng lực, trình độ, nhận thức, tác phong của người lao động.
Quế Phong cũng thuộc huyện 30a nằm ở Tây Bắc Nghệ An, có dân số khoảng hơn 75 nghìn người, trong đó dân số trong độ lao động chiếm 55,37%, nhưng phần lớn là tỷ lệ lao động phổ thông. Ông Lương Văn Điệp, Trưởng phòng LĐTB&XH Quế Phong thông tin: Nguồn lao động trên địa bàn khá lớn, song chủ yếu là lao động phổ thông, chưa qua đào tạo nên gặp khó khăn trong tìm kiếm việc làm, nhất là làm việc ở nước ngoài.
Ở huyện Con Cuông cũng đang có 56.000 người trong độ tuổi lao động. Tuy nhiên, theo ông Phan Thanh Hùng, Phó phòng LĐTB&XH huyện Con Cuông thì, dù người dân địa phương có việc làm, nhưng không ổn định, lao động phổ thông là chủ yếu, với những công việc là làm nông lâm nghiệp tại chỗ và đi làm thuê...
Thực tế hiện nay, ở vùng DTTS&MN Nghệ An, dân cư sống rải rác, không tập trung; khoảng cách giữa các bản xa xôi cách trở; giao thông đi lại khó khăn; đời sống Nhân dân còn nghèo và lạc hậu; nhận thức hạn chế, nên một bộ phận lao động còn có tư tưởng ngại phải học tiếng, học nghề, thiếu kiên trì..., dẫn đến bỏ qua cơ hội để được đi làm việc ở nhiều cơ sở, doanh nghiệp, tập đoàn; nhất là những cơ hội xuất khẩu lao động theo hợp đồng; hoặc làm việc không qua hợp đồng ở một số nước có chung biên giới với nước ta.
Cũng bởi thiếu trình độ, hoặc đào tạo chưa đầy đủ, số lao động đi làm việc không có hợp đồng lao động ở trong nước; cũng như ở nước ngoài vẫn còn nhiều. Do đó, những rủi ro, bất cập khi không may xảy ra sự cố ngoài ý muốn, thì người lao động rất thiệt thòi.
Tỷ lệ lao động thiếu việc làm, tỷ lệ lao động không có việc làm ổn định, tỷ lệ lao động phổ thông đều còn cao... đang là những bất cập trong cơ cấu lao động, ảnh hưởng đến công tác đảm bảo an sinh ở các huyện vùng DTTS&MN Nghệ An.