Dấu ấn trong công tác giảm nghèo
Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa, đến cuối năm 2021, các mục tiêu giảm nghèo của tỉnh Thanh Hóa về cơ bản đã hoàn thành. Tỷ lệ hộ nghèo của các huyện miền núi Thanh Hóa giai đoạn 2016 - 2020, bình quân mỗi năm giảm 4,62%; trong đó đối với 100 xã ĐBKK, xã biên giới, xã an toàn khu, vùng đồng bào DTTS và miền núi đã giảm được 6,84%/năm; hộ nghèo DTTS giảm 5,82%/năm.
Đến nay, Thanh Hóa có 11 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 341 xã trong tổng số 465 xã và 809 thôn, bản miền núi đạt chuẩn NTM. Trong đó, 48 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 5 xã và 145 thôn, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Số xã đạt về tiêu chí trường học, cơ sở vật chất văn hóa, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn lần lượt là 84,3%, 86% và 92%. Đáng chú ý, các tiêu chí duy trì tỷ lệ số xã đạt hoặc tăng 1-4%.
Sau 12 năm triển khai xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn, miền núi Thanh Hóa có nhiều thay đổi. Nhìn chung, tình hình kinh tế - xã hội của các địa phương, đặc biệt là vùng miền núi đã có bước phát triển; đời sống vật chất, tinh thần vùng đồng bào được cải thiện rõ rệt, người nghèo đã tiếp cận thuận lợi và đầy đủ hơn các chính sách trợ giúp của Nhà nước; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường và củng cố.
Dấu ấn nổi bật nhất trong công tác giảm nghèo là đến năm 2021, Thanh Hóa có 79 xã ra khỏi diện ĐBKK theo Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ “Về phê duyệt danh sách xã khu vực III, II, I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025” (sau đây gọi tắt là Quyết định 861).
Việc ra khỏi xã ĐBKK và được công nhận hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng NTM, là động lực, sự cổ vũ tích cực đối với các địa phương từ sự ghi nhận của Chính phủ đối với những nỗ lực của các xã trong phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, nhìn nhận từ thực tế, đối với một số địa bàn vùng đồng bào DTTS và miền núi, với đặc thù về địa lý, thổ nhưỡng, xuất phát điểm thấp nên công tác giảm nghèo chưa đồng đều và bền vững, vẫn còn nhiều hộ khó khăn.
Chưa hết khó khăn
Việc xã ra khỏi vùng khó khăn đồng nghĩa với nhiều chính sách ưu tiên về an sinh xã hội bị cắt giảm. Điều này cũng gây khó cho các địa phương trong việc hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an sinh. Như việc khó khăn trong thiếu hụt chỉ tiêu về bảo hiểm y tế cho người dân. Đến hết năm 2021, sau khi không còn sự hỗ trợ của Nhà nước về mua thẻ BHYT, thì đầu năm 2022, tỷ lệ BHYT ở các huyện giảm mạnh. Nhiều hộ dân dù không thuộc diện hộ nghèo, nhưng hoàn cảnh còn khó khăn không đủ điều kiện tham gia BHYT tự nguyện.
Nói về tình trạng này, ông Vũ Cao Cường, Giám đốc BHXH huyện Lang Chánh (Thanh Hóa) cho hay: “Đầu năm 2022, với 7 xã ra khỏi diện ĐBKK kéo theo đó là giảm 14.000 người không tham gia BHYT. Tính đến tháng 9/2022, tỷ lệ bao phủ BHYT của huyện mới đạt 76,9%, giảm 19,1% so với năm 2021, trong khi đó tỷ lệ tỉnh giao là 90%. Một con số rất khó thực hiện”.
Quyết định 861 cũng tác động đến một bộ phận giáo viên công tác ở các địa bàn vùng miền núi khó khăn. Bởi lẽ chế độ lương và phụ cấp của giáo viên tại những xã ra khỏi vùng khó khăn cắt giảm, ảnh hưởng đến đời sống kinh tế của các thầy cô giáo.
Cô Ngân Thị Thướng, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tam Thanh (Quan Sơn) cho biết: Xã Tam Thanh vừa ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn nên giáo viên cũng bị cắt giảm khoản tiền phụ cấp. Theo cô, trước kia, trường có người hưởng lương và phụ cấp ở mức 8 - 9 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, hiện lương và phụ cấp hàng tháng giảm xuống chỉ còn khoảng 6 triệu/tháng.
“Từ khi cắt giảm khoản tiền phụ cấp này, nhiều giáo viên lâm vào cảnh chật vật. Bởi lẽ, nhiều người đang “cắm” sổ lương, vay tiền ngân hàng để sửa sang, cải tạo lại nhà cửa, hay mua sắm xe máy làm phương tiện đến trường; mua sắm máy tính để nâng cao chất lượng trong công tác dạy học. Bây giờ, mỗi tháng lương và phụ cấp còn khoảng 6 triệu đồng, sau khi trừ tiền nợ ngân hàng, các khoản đóng góp khác, nhiều cô nhận về số lương ít ỏi lắm”, cô Thướng bộc bạch.
Đối với học sinh, chế độ ăn trưa của các em tại các xã ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn cũng không còn, ảnh hưởng đến tâm lý cho con đến trường của nhiều phụ huỵnh và học sinh.
Tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú - Trung học cơ sở (PTDTBT - THCS) Tam Thanh có 263 học sinh (HS). Năm học trước, nhà trường có 193 HS thuộc diện ăn, ở bán trú trong ký túc xá. Tuy nhiên, từ khi thực hiện Quyết định số 861 có hiệu lực, nhà trường chỉ còn 65 HS thuộc diện bán trú được Nhà nước hỗ trợ ăn, ở hàng tháng để học tập.
Thầy Nguyễn Văn Dương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Chúng tôi mong UBND tỉnh có phương án để hỗ trợ cho những học sinh bị cắt chế độ hưởng bán trú, để giúp các em có điều kiện đến trường thuận lợi hơn”.
Trước những khó khăn trên, chính quyền, ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa đang nỗ lực tìm các giải pháp để tháo gỡ, hỗ trợ người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi ở những xã vừa thoát nghèo vươn lên. Trong đó, việc triển khai nguồn lực đầu tư, hỗ trợ từ Chương trình mục quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-20230, đang được địa phương xác định là nguồn trợ lực quan trọng, giúp các xã vùng khó khăn vừa đạt chuẩn NTM phát triển bền vững...