“Bức tranh” tươi sáng
Giáp Tết Nguyên đán 2021, hơn 60 hộ dân thuộc vùng Dự án Hồ Ngòi Giành (huyện Yên Lập) đã chuyển về Khu tái định cư (TĐC) Đâng, xã Trung Sơn. Dự án Hồ Ngòi Giành là công trình “ý Đảng lòng dân” có ý nghĩa quan trọng, với mục tiêu cấp nước tưới cho 7.690 ha đất canh tác, nước sinh hoạt cho 160.000 người, nước nuôi trồng thủy sản và một số hồ chứa còn thiếu nước trong khu vực, có tổng mức đầu tư 1.279 tỷ đồng. Đại đa số người dân trong khu đều đồng tình, phấn khởi nhờ Đảng, Nhà nước quan tâm có công trình mới được đầu tư xây dựng phục vụ sản xuất và ổn định đời sống. Với sự hỗ trợ của chính quyền các cấp và nỗ lực của người dân, kinh tế - xã hội ở khu TĐC đang ngày càng khởi sắc.
Bà Phùng Thị Mơ - Khu Đâng bày tỏ: “Trước kia, ở bản cũ khó khăn lắm, gia đình tôi chỉ quanh quẩn với nương rẫy. Đất thì nhiều nhưng không hiểu biết canh tác, năng suất không cao nên cái đói, cái nghèo đeo bám. Về nơi ở mới, chúng tôi được cấp đất ở, đất sản xuất và được tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi phù hợp với điều kiện thực tế của gia đình và địa phương. Chúng tôi biết ơn Đảng, Nhà nước đã quan tâm đến đồng bào DTTS với những công trình, dự án phục vụ Nhân dân, đồng thời tạo điều kiện, chăm lo cho chúng tôi về nơi ở mới với những tư duy, cách làm mới trong sản xuất, ổn định cuộc sống lâu dài nhờ thu nhập ổn định”.
Thực hiện Dự án Hồ Ngòi Giành, UBND huyện Yên Lập đã ra quyết định thu hồi đất, cùng với cây cối hoa màu, kiến trúc trên đất của các hộ dân, thực hiện bồi thường, hỗ trợ và TĐC cho các hộ dân khu Đâng. Tháng 6/2020, các hộ dân bắt đầu mua vật tư xây dựng, làm nhà. Đến nay, khu Đâng đã được thay “áo mới” với những căn nhà kiên cố, hiện đại, hệ thống hạ tầng điện, đường, trường, trạm được đầu tư, quy hoạch bài bản theo dự án TĐC đã giúp bà con đã yên tâm an cư, lạc nghiệp, xây dựng cuộc sống mới.
Trưởng khu Đinh Văn Nghị cho biết: "Khu Đâng có 89 hộ phải di dời, trong đó 66 hộ về tập trung ở khu TĐC. Đã sang năm thứ hai di dời đến khu TĐC, bà con rất phần khởi khi về nơi ở mới khang trang sạch đẹp, đường sá, trường học đi lại rất thuận lợi”.
Chỉ cho chúng tôi những ngôi nhà khang trang được xây dựng kiên cố hai bên con đường trải bê tông bằng phẳng, bà Đinh Thị Linh - Trưởng khu Khe Nhồi, xã Trung Sơn phấn khởi chia sẻ: “Nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, các cấp chính quyền, chúng tôi trồng được cây quế và các loại cây nguyên liệu như bồ đề, keo phủ kín những cánh rừng, có hộ nhận trồng tới 7 - 10 ha rừng. Người dân Khe Nhồi giờ đây đã yên tâm để tập trung phát triển kinh tế, lựa thế đồi núi mà tranh thủ làm lúa, chủ động gieo cấy đúng lịch, ngô lúa nối vụ, năng suất lúa cũng khá hơn trước kia, đạt 33,6 tạ/ha.
Ông Đinh Văn Hùng, một trong những hộ có diện tích rừng quế lớn, chia sẻ: "Nhiều nhà trong khu nhờ trồng quế đã tích góp xây dựng được nhà cao, cửa rộng. Nếu kiên trì, chịu khó đầu tư trồng rừng thì không lo nghèo. Riêng nhà tôi, do mấy năm nay quế được giá, vụ quế mới đây, chỉ cần bóc một cây quế đã thu được vài chục triệu đồng”.
Đồng chí Đinh Văn Đóa - Chủ tịch UBND xã Trung Sơn cho biết: Tuy là xã vùng sâu, đặc biệt khó khăn (ĐBKK), song nhờ sự quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng của Nhà nước cùng sự nỗ lực vươn lên từ mỗi người dân, nên kinh tế - xã hội của địa phương đã có bước chuyển biến nhanh. Cây quế đã và đang đem lại nguồn thu ổn định, giúp đời sống đồng bào Mông, Dao từng bước cải thiện, nâng cao từ quế, tạo niềm tin để xã vùng cao Trung Sơn vững tin phát triển vùng chuyên canh quế đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Có thể thấy, “bức tranh” tươi sáng về vùng cao đổi mới đã và đang dần hiện hữu trên khắp các bản động vùng cao. Những khó khăn vô vàn trước đây đã lùi dần nhờ “ánh sáng” của các công trình, chương trình, dự án của Đảng, Nhà nước phục vụ cho đồng bào DTTS. Đầu tư cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm đi đôi với trang bị những tư duy mới, cách làm, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập là phương châm phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững. Thay đổi tư duy, nếp nghĩ, cách làm trong nhận thức, bà con DTTS đã biết vươn lên xây dựng cuộc sống mới trong sinh hoạt cộng đồng dân cư, thực hiện hiệu quả các phong trào xóa đói giảm nghèo.
Ý Đảng ấm lòng dân
Phú Thọ là tỉnh miền núi, tỷ lệ người DTTS chiếm 17,15% dân số toàn tỉnh. Giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh có 58 xã thuộc khu vực I, II, III địa bàn miền núi và 70 thôn ĐBKK, tập trung ở các huyện: Thanh Sơn, Yên Lập, Tân Sơn, Đoan Hùng, Thanh Thủy.
Huyện miền núi Thanh Sơn có 32 dân tộc cùng sinh sống, trong đó người DTTS chiếm 61,5%, đa số là dân tộc Mường, Dao. Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020, trên cơ sở điều kiện thực tế địa phương, huyện đã tập trung các nguồn lực đầu tư vào các vùng đồng bào DTTS khó khăn, nhằm mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, từng bước rút ngắn khoảng cách về trình độ phát triển giữa các vùng trong huyện. Huyện ủy đã ban hành nhiều Nghị quyết chuyên đề về các lĩnh vực: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; giáo dục - đào tạo; y tế, văn hóa - xã hội, lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, hỗ trợ phát triển sản xuất, luôn hướng mục tiêu quan tâm đến các đối tượng là người nghèo, người DTTS trên địa bàn.
Đồng chí Nguyễn Duy Anh - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thanh Sơn cho biết: “Việc cụ thể hóa chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước được huyện triển khai phù hợp với hướng dẫn của tỉnh và đặc thù của địa phương và được Nhân dân đồng tình ủng hộ, hướng ứng tích cực. Do vậy, hiệu quả của các chủ trương, chính sách được minh chứng bởi hệ thống cơ sở hạ tầng địa bàn vùng DTTS đã được cải thiện rõ rệt, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm theo từng năm.
Nếu như năm 2012 toàn huyện có 7.244 hộ nghèo, thì đến năm 2021 giảm còn 2.166 nghèo (giảm từ 23,35% xuống còn 6,38%). Các chương trình, đề án, chính sách về công tác dân tộc sau khi ban hành đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, nhằm thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo nhanh và bền vững.
Chương trình 135 về phát triển kinh tế - xã hội các xã ĐBKK miền núi và vùng sâu, vùng xa là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước với các xã ĐBKK, xã ATK, các thôn bản ĐBKK vùng DTTS và miền núi. Chương trình phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội hiện nay, với sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành trong toàn tỉnh đã đạt được các mục tiêu đề ra.
Huyện Yên Lập có 17 dân tộc anh em chung sống, đến nay huyện có 6 xã thuộc diện được đầu tư Chương trình 135, trong đó có 5 xã ATK, 1 xã ĐBKK và 5 xã có 19 thôn ĐBKK. Từ những chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, huyện được quan tâm đầu tư nhiều chương trình, dự án triển khai thực hiện đồng bộ và đạt được những kết quả tích cực.
Đồng chí Hà Đức Tuấn - Trưởng Phòng Dân tộc huyện Yên Lập khẳng định: “Chương trình 135 giống như một “luồng gió mới” mang lại diện mạo vùng kinh tế - xã hội ĐBKK được thay đổi toàn diện về hạ tầng kỹ thuật hạ tầng cũng như văn hóa, xã hội. Đời sống của Nhân dân từng bước được nâng lên, thu hẹp dần khoảng cách giữa vùng kinh tế - xã hội ĐBKK với các vùng khác trên địa bàn, đóng góp không nhỏ vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”.
Phú Thọ có 50 thành phần dân tộc cùng chung sống với tổng số 1,4 triệu người, trong đó người DTTS chiếm 17,15%, phân bố chủ yếu ở địa bàn các huyện Tân Sơn, Thanh Sơn, Yên Lập, Đoan Hùng, Thanh Thủy. Thu nhập bình quân đầu người của người DTTS năm 2020 khoảng 34,9 triệu đồng, tăng 31,4332 triệu đồng so với năm 2004. Tỷ lệ hộ nghèo người DTTS năm 2021 bằng 37,68% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh.
“Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, triển khai thực hiện nhiều Nghị quyết quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS, tỉnh đã quan tâm bố trí nhiều nguồn lực, tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc, đẩy nhanh công tác xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội. Tính đến hết tháng 9/2022, bình quân tổng vốn đầu tư toàn xã hội vùng DTTS đạt 1.400 tỷ đồng. Đời sống đồng bào DTTS ngày càng được cải thiện rõ rệt, người dân luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền”. Đó là những chia sẻ của đồng chí Cầm Hà Chung - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh khi nói về những kết quả đạt được trong công tác dân tộc trong những năm gần đây dưới sự lãnh đạo của Đảng với những chủ trương, đường lối đúng đắn đã tạo được niềm tin sâu sắc trong mỗi đồng bào và các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/1/2011 của Chính phủ về công tác dân tộc và Chương trình 135 giai đoạn 2016 - 2020 tổng nguồn lực huy động cho vùng đồng bào DTTS của tỉnh đạt trên 5.200 tỷ đồng. Các nguồn vốn tập trung đầu tư xây dựng cơ bản, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, dân sinh, chuẩn hóa quốc gia y tế, giáo dục; xây dựng mô hình, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, đào tạo, dạy nghề, hỗ trợ giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động…
Cuộc sống mới tốt đẹp hơn đã và đang hiện hữu là kết quả từ sự cố gắng, cộng đồng trách nhiệm, sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương trong việc cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước để mang đến cho đồng bào DTTS một cuộc sống hạnh phúc, ấm no.