Đêm diễn mang ý nghĩa tri ân cố Nghệ sĩ Ưu tú (NSUT) Nay Pharr (làng Ơi H'Briu, xã Chư Mố, huyện Ia Pa), người nghệ sĩ hiếm hoi của núi rừng Tây Nguyên đã mang tiếng đàn T’rưng đến với bạn bè ở hơn 30 nước trên thế giới.
Tham gia chương trình có Nghệ nhân Ưu tú Rơ Chăm Tih (huyện Ia Grai, Gia Lai); các Nghệ sĩ Nhân dân: Phạm Ngọc Khôi, Đỗ Lộc, Rơ Chăm Phiang, Hoa Đăng và nhiều nghệ sĩ đến từ Dàn nhạc Dân tộc Việt Nam (Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam).
Chương trình gồm 12 tiết mục hát, độc tấu, hòa tấu đàn T’rưng đặc sắc mang đậm âm hưởng Tây Nguyên như: Tình ca Tây Nguyên; Tắc kè tháng Năm; Chiến thắng Chư Păh; Suối đàn t'rưng; Trở về Tây Nguyên; Vũ khúc Tây Nguyên; Tây Nguyên chào mặt trời; Tổ khúc Tây Nguyên… âm thanh độc đáo khi rộn ràng, nồng nhiệt, mạnh mẽ, khi êm dịu, nhẹ nhàng đã mang đến cho khán giả một buổi trình diễn ý nghĩa, đặc sắc và thêm say mê tiếng đàn bằng tre nứa của núi rừng.
Bên cạnh đó, chương trình còn có phần giao lưu với gia đình cố NSUT Nay Pharr; Nghệ sĩ Nhân dân Hoa Đăng, Nghệ sĩ Nhân dân Đỗ Lộc, Nhạc sĩ Hữu Xuân. Tại chương trình, các khách mời đã chia sẻ về lịch sử phát triển của cây đàn T’rưng, những nghiên cứu cải tiến đàn T’rưng; sự lan tỏa của đàn T’rưng ra với thế giới và những kỷ niệm cùng với cố NSUT Nay Pharr… giúp khán giả biết được con đường từ buôn làng ra thế giới của cây đàn T’rưng.
Qua đó, biết ơn sâu sắc những cống hiến của lớp người đi trước, đặc biệt là NSUT Nay Pharr - người con ưu tú của Gia Lai. Nếu coi sự phát triển nghệ thuật diễn tấu đàn T’rưng là một dòng suối thì NSUT Nay Pharr được xem là suối đầu nguồn. Nay Pharr và cây đàn T’rưng lịch sử của ông là nguồn cảm hứng cho rất nhiều nhạc sĩ, nghệ sĩ sáng tạo nghệ thuật, cùng nhau lưu giữ mạch nguồn âm nhạc truyền thống trên vùng đất Tây Nguyên.