Vượt qua con đường đất đỏ bụi tung mù mịt trong nắng cháy, chúng tôi cùng anh Y Mười Mlô, cán bộ văn hóa xã Ea H’đing (huyện Cư Mgar, Đăk Lăk) đến buôn Kon H’ring để gặp nghệ nhân A Nol, dân tộc Xơ-đăng. Trong căn nhà nhỏ, âm thanh đàn T’rưng vang vọng giữa buổi chiều thanh vắng, gợi lên cảm giác thanh bình, yên ả.
Nghệ nhân A Nol tiếp chúng tôi bằng câu chuyện đầy trăn trở: Trước đây, dân làng Kon H’ring sinh sống ở tỉnh Kon Tum, do chiến tranh nên phải ly tán. Sau ngày giải phóng miền Nam năm 1975, người dân trong làng đã cùng nhau về dưới chân núi Cư Dliê Mnông (huyện Cư Mgar) lập nên một ngôi làng mới-là buôn Kon H’ring bây giờ.
Là một người am hiểu nhạc cụ, các làn điệu dân ca dân vũ của dân tộc mình, nghệ nhân A Nol luôn trăn trở làm thế nào để giữ gìn văn hóa dân tộc. Bởi ông gần như là người duy nhất trong buôn biết đánh và chỉnh chiêng. Ngoài ra, ông còn đam mê chế tác đàn t’rưng, đàn klông pút.
Để hồn cốt của cha ông được ngân vang lên mãi ở Kon H’ring, ông mở lớp dạy đánh chiêng cho lớp trai trẻ trong buôn, bây giờ Kon H’ring đã có thêm một đội chiêng trẻ. Rồi ông dạy những điệu múa truyền thống của người Xơ-đăng cho chị em phụ nữ trong buôn.
Bây giờ hàng năm, Lễ hội Mừng lúa mới của đồng bào Xơ-đăng đã trở thành lễ hội của cả buôn làng. Tại đây, các loại hình văn hóa dân tộc Xơ-đăng được tái hiện, những bộ trang phục truyền thống uyển chuyển của người phụ nữ trong điệu xoang nhịp nhàng quanh chóe rượu cần, tiếng chiêng ngân lên những giai điệu thiết tha. Đó là một cách để bảo tồn nét đẹp văn hóa của dân tộc để con cháu biết và bảo tồn.
Nhưng trong cả buổi trò chuyện, đôi mắt nghệ nhân A Nol cứ nhìn xa xăm, chất chứa nỗi buồn sâu thẳm. Ông nói rất nhiều về nhà rông, được coi là linh hồn của làng, nơi hội tụ khí thiêng của trời đất, sông núi, là nơi lưu giữ các giá trị thiêng liêng của buôn làng. Giọng ông trầm đều như nhắc nhở về một ký ức nào đó.
“Với dân tộc Xơ-đăng, nhà rông là nơi người già kể khan, nơi người lớn tụ tập hàng đêm nói cho nhau nghe những câu chuyện của núi rừng. Nơi diễn tấu cồng chiêng, các lễ hội hàng năm… Buôn làng có nhà rông như được tiếp thêm sức sống, là nơi các vị thần về trú ngụ”, nghệ nhân A Nol nói.
Đáng buồn thay, buôn Kon Hring bây giờ không còn nhà rông nữa. Ngôi nhà rông duy nhất đã bị hỏa hoạn thiêu rụi vào năm 2002. Người ta gọi một ngôi làng không có nhà rông là chưa xứng đáng là làng. Đấy chỉ là tập hợp rời rạc những cái nhà chưa có hồn.
“Bà con mong muốn xây lại một ngôi nhà rông nhưng bây giờ nguyên liệu hiếm khó kiếm, rừng bị tàn phá không còn gỗ để làm, cỏ tranh bị xịt thuốc không còn để lợp mái, tre nứa cạn kiệt. Hơn nữa, chi phí làm một ngôi nhà rông bây giờ khoảng hơn 200 triệu đồng, nguồn kinh phí này là quá lớn đối với bà con trong buôn”, nghệ nhân A Nol chia sẻ.
ĐỖ QUYÊN