Toàn tỉnh Gia Lai hiện có 386 hợp tác xã, với tổng số trên 18.000 ngàn thành viên, trong đó HTX nông nghiệp chiếm khoảng 80%. Thời gian qua, các HTX đã xây dựng được phương án kinh doanh, tạo sự liên kết, kêu gọi nhiều thành viên liên kết đầu ra sản phẩm, mang lại hiệu quả tích cực.
Điển hình có HTX Nông nghiệp Chư A Thai (xã Ia Ake, huyện Phú Thiện) là một trong những đơn vị mạnh dạn chuyển đổi sang mô hình HTX kiểu mới vào năm 2016. Qua 6 năm chuyển đổi, HTX Nông nghiệp Chư A Thai đã có nhiều chuyển biến tích cực, khi liên kết được với bà con nông dân sản xuất lúa nước 2 vụ trên diện tích 215 ha, trong đó có 140 ha lúa chất lượng cao theo tiêu chuẩn VIETGAP.
Nhờ vậy, mỗi năm HTX cung cấp 300-400 tấn gạo chất lượng cao ra thị trường. Hiện nay, sản phẩm Gạo Phú Thiện của HTX Nông nghiệp Chư A Thai đã đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Mới đây nhất, bộ sản phẩm Gạo Phú Thiện cũng được bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh Gia Lai.
Ông Phạm Ngọc Nghĩa, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc HTX Nông Nghiệp Chư A Thai cho biết: Vừa qua, HTX được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chọn xây dựng HTX Nông nghiệp kiểu mẫu giai đoạn 2022-2025. Trong thời gian tới, HTX sẽ đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị lúa gạo chất lượng cao, để mở rộng thị trường tiêu thụ.
Đồng thời, HTX sẽ đầu tư nâng cấp dây chuyền thiết bị chế biến gạo, bao bì nhãn mác, áp dụng mã vùng, mã vạch truy xuất nguồn gốc; tập trung chuyển đổi số trong sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm gạo để mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân trên địa bàn.
Cùng bắt tay liên kết sản xuất theo quy mô lớn, gắn với ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm tăng năng suất, chất lượng, giá trị cho các sản phẩm nông nghiệp cũng chính là mục tiêu của HTX Sản xuất, Thương mại, Dịch vụ và Du lịch Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh).
HTX hiện có 9 thành viên, với 27 tổ liên kết canh tác khoảng 800 ha cà phê, chanh dây và sầu riêng. Bình quân mỗi tháng, HTX cung cấp cho Công ty TNHH Quicornac (Khu Công nghiệp Trà Đa, thành phố Pleiku) từ 400-500 tấn chanh dây.
Ông Lê Văn Thanh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc HTX cho biết: “Trong thời gian từ năm 2019-2022, HTX gặp rất nhiều khó khăn vì dịch bệnh, cơ cấu tổ chức HTX kiểu mới khó hoạt động. Vì vậy, đơn vị phải đi nghiên cứu các tỉnh, các HTX phát triển để về áp dụng. Đến nay về cơ bản, HTX đã đạt được nhiều thành tựu như triển khai tham gia một số dự án như VnSat hỗ trợ hệ thống tưới công nghệ cao, đường vào khu sản xuất, máy móc thiết bị,…”.
Hiện nay, hầu hết các HTX trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã được chuyển đổi, tổ chức lại theo Luật HTX năm 2012. Các HTX được chuyển đổi đã có những bước đột phá trong sản xuất kinh doanh, tăng cường tự chủ, phát huy nội lực và phương thức làm việc theo hướng liên doanh, liên kết, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập cho các thành viên.
Tỉnh Gia Lai cũng đang tập trung hỗ trợ các HTX, mở rộng số lượng thành viên, quy mô kinh doanh, tích lũy vốn, tài sản, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số. Điều này sẽ giúp tạo đòn bẩy để kinh tế tập thể, HTX nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động, phát triển bền vững trong bối cảnh mới.
Ông Nguyễn Thế Hùng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Gia Lai cho biết: Từ nay tới năm 2025, theo kế hoạch của UBND tỉnh sẽ phấn đấu 60% HTX hoạt động khá và giỏi. Với chức năng nhiệm vụ của mình, trước mắt chúng tôi sẽ rà soát, đánh giá lại các HTX, tập trung trọng điểm với các HTX nông nghiệp, từ đó tạo được sự liên kết giữa HTX và các doanh nghiệp, xây dựng quỹ hỗ trợ phát triển HTX theo Nghị định 45 của Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, tăng cường các sản phẩm đạt chất lượng, nhất là các sản phẩm OCOP. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, các HTX tham gia trong sản xuất OCOP cũng tương đối nhiều, đó là những sản phẩm đặc trưng của địa phương, mang tính chất vùng miền Tây Nguyên.
Do vậy, địa phương tiếp tục phối hợp với các sở ngành tổ chức giao lưu, tạo điều kiện cho các HTX tham gia hội chợ để quảng bá các sản phẩm, nhằm góp phần vào việc phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, nhất là về phát triển nông nghiệp.