Ðể tìm hiểu về thực trạng cũng như cuộc sống của những cô đỡ thôn, bản, men theo con đường độc đạo, xuyên rừng chúng tôi tìm về bản Nậm Hính 1, xã Huổi Lếch (huyện Mường Nhé). Trời lạnh thấu xương, dù bận rộn chuẩn bị đồ dùng lên nương, nhưng chị Chảo Tà Mẩy (trước đây là cô đỡ bản Nậm Hính 1) vẫn dành cho chúng tôi chút thời gian trò chuyện.
Chị Mẩy giãi bày: “Mình làm cô đỡ thôn, bản ở đây cũng đã được vài năm. Mình đã đi từng ngõ, bản, gõ cửa từng nhà và sử dụng ngôn ngữ của dân tộc mình để vận động phụ nữ đang mang thai đến sinh nở tại các cơ sở y tế, tư vấn chăm sóc bà mẹ và trẻ em. Thậm chí nhiều hôm nửa đêm, trời mưa nhận được tin báo có người sắp sinh, mình tức tốc lên đường, vượt suối, băng rừng cứ đi bộ trong bóng tối hơn 10km để đến giúp sản phụ sinh nở an toàn. Dù vất vả, gian khó nhưng sau mỗi ca đỡ đẻ thành công, được nghe tiếng trẻ khóc chào đời mình thấy rất vui”...
Tuy nhiên, từ tháng 1/2020, sau khi nhận được thông báo của Trạm Y tế xã, do không còn phụ cấp chi trả cho nhân viên y tế và cô đỡ thôn, bản nên chị Chảo Tà Mẩy đành tạm ngưng công việc. Chị Mẩy bộc bạch: “Nghỉ việc, mình cũng thấy buồn lắm! Nên hễ có ai gọi hay cần tư vấn khi mang thai mình đều rất nhiệt tình chia sẻ. Trước đây, dù đi lại vất vả nhưng có thêm chút ít khoản phụ cấp từ việc làm cô đỡ thôn, bản, giúp nhà mình vơi bớt phần nào khó khăn. Nay phải nghỉ việc, mình trở lại công việc đồng áng, nương rẫy để mưu sinh. Mình rất mong các cấp, ngành sớm tìm ra giải pháp, bố trí nguồn kinh phí để mình có thể trở lại làm cô đỡ thôn, bản, đó cũng là ước mơ từ thuở nhỏ của mình”.
Thực tế cho thấy, nhân viên y tế và cô đỡ thôn, bản là đội ngũ nòng cốt của ngành Y tế trong hầu hết các hoạt động của chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ). Ðặc biệt, họ chính là “cánh tay nối dài” đưa chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác y tế đến gần hơn với Nhân dân; là nhân tố đắc lực trong các hoạt động: Tiêm chủng, phòng, chống HIV/AIDS; tuyên truyền, giáo dục sức khỏe tại cộng đồng; chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em và KHHGÐ...
Y sĩ Lò Văn Doãn, Trưởng trạm Y tế xã Sen Thượng cho biết: “Trước đây, trên địa bàn xã có 6 nhân viên y tế thôn, bản. Việc đội ngũ nhân viên y tế phải nghỉ việc do không có phụ cấp ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cũng như triển khai các hoạt động y tế, CSSK Nhân dân ở các thôn, bản vùng sâu, vùng xa. Hơn nữa, hiện nay, nhân lực Trạm Y tế còn thiếu (5 biên chế) nên không thể tỏa về tất cả các bản để tuyên truyền, hướng dẫn bà con cách CSSK; thiếu hụt nhân viên y tế ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc giám sát, phòng chống dịch bệnh”.
Theo thống kê của Trung tâm Y tế huyện Mường Nhé, trước ngày 1/1/2020, Trung tâm quản lý, chi trả phụ cấp cho 134 nhân viên y tế thôn, bản và cô đỡ thôn bản (104 nhân viên y tế thôn, bản, 30 cô đỡ thôn, bản) được bố trí tại các thôn, bản đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới.
Bác sĩ Lò Văn Sen, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mường Nhé cho biết: Là huyện vùng cao, biên giới, điều kiện kinh tế khó khăn, nhất là biên chế cán bộ y tế tại 11/11 trạm y tế tuyến xã còn thiếu (mỗi trạm có từ 5 - 7 cán bộ). Ðội ngũ nhân viên y tế và cô đỡ thôn, bản có vị trí, vai trò quan trọng đối với công tác y tế ở cơ sở. Vì vậy, không riêng gì huyện Mường Nhé mà hầu hết các huyện trong tỉnh, việc duy trì hoạt động của đội ngũ này là rất cần thiết đối với công tác y tế trong tình hình mới.
Ðể duy trì hoạt động nhân viên y tế và cô đỡ thôn, bản, thực hiện Nghị quyết của HÐND tỉnh thì đến năm 2021, qua rà soát trên địa bàn huyện Mường Nhé có 60 nhân viên y tế thôn, bản và 20 cô đỡ thôn, bản đủ điều kiện hoạt động. Như vậy, đội ngũ nhân viên y tế và cô đỡ thôn, bản - “cánh tay nối dài” của ngành Y tế tại cơ sở sẽ đợi thêm vài tháng nữa để trở lại với công việc của mình từ ngày 1/1/2021. Hoạt động của đội ngũ này góp phần thiết thực nâng cao chất lượng, hiệu quả CSSK ban đầu cho Nhân dân; tạo được niềm tin về y đức, góp phần làm đẹp hình ảnh người cán bộ y tế.
Tại Kỳ họp thứ 14, HÐND tỉnh Điện Biên khóa XIV đã thông qua Nghị quyết “Quy định chính sách hỗ trợ nhân viên y tế thôn, bản và cô đỡ thôn, bản vùng khó khăn, vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới trên địa bàn tỉnh Ðiện Biên”. Theo đó, thôn, bản đáp ứng các tiêu chí là thôn, bản vùng khó khăn, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới và cách xa trung tâm xã từ 3km trở lên được bố trí 1 nhân viên y tế thôn, bản. Nhân viên y tế thôn bản phải là người thường trú ổn định trên địa bàn thôn, bản và có nguyện vọng làm nhân viên y tế. Thôn, bản sẽ được bố trí 1 cô đỡ nếu đủ điều kiện bố trí nhân viên y tế và nhân viên y tế là nam giới. Ðặc biệt, mức hỗ trợ hàng tháng là 0,5 mức lương cơ sở cho nhân viên y tế và 0,3 mức lương cơ sở đối với cô đỡ thôn, bản.