Khu Co Hương, bản Ngàm nằm lọt thỏm trong lòng chảo, 4 bề là núi cao chót vót, phía chân núi lộ ra những con suối ngầm như muốn sạt xuống bất cứ lúc nào. Mỗi khi mưa xuống, nước từ suối Keo tràn vào nhà các hộ dân. Nếu mưa kéo dài khoảng 2 - 3 ngày, không kể là ngày hay đêm, người dân Co Hương chỉ còn biết dùng chiếc kẻng báo động, tức tốc cùng nhau rời đi chỗ khác.
Anh Lò Văn Piên, Trưởng bản Ngàm cho biết: Năm 2018, bà con cũng đã từng một lần phải chuyển ra ngoài. Ở đây có kẻng báo động, nhưng chúng tôi đang lo nếu mưa to, nước suối dâng cao thì người dân Co Hương sẽ bị cô lập. Mặc dù biết nguy hiểm đang rình rập, nhưng không còn cách nào khác, người dân vẫn phải cố thủ ở đây.
Gắn bó hàng chục năm ở Co Hương, năm nay ông Lò Văn Thương đã ngoài 60 tuổi. Ở tuổi này đáng lẽ phải bớt lo, nhưng chưa bao giờ ông lại thấy lo cho cuộc sống của gia đình mình và bà con nơi đây như lúc này. “Sợ lắm, nhất là trời mưa, mấy hộ ngay gần chân đồi càng sợ, sụt mấy gốc cây thôi cũng sợ”, ông nói.
Theo lời ông Thương, khu Co Hương hiện có khoảng 30 hộ đồng bào dân tộc Thái sinh sống. Xung quanh các gia đình bao bọc bởi núi cao và suối sâu. Lối thoát hiểm duy nhất của người dân là con đường mòn ven suối, nhưng khi nước dâng, bà con muốn thoát ra ngoài, chỉ còn cách đu, trèo trên 2 cọng dây sắt treo lơ lửng - người dân gọi đây là “cầu treo” đu bằng tay.
Đặc biệt, từ năm 2016, do ảnh hưởng của mưa lũ và các hoạt động địa chất, trên sườn đồi núi phía sau khu dân cư Co Hương đã xuất hiện một vết nứt lớn, kéo dài.
Trao đổi với ông Nguyễn Văn Sinh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quan Sơn, ông Sinh cho biết: Năm 2019, qua khảo sát của Tổng cục Phòng chống thiên tai trên địa bàn xã Tam Thanh, Đoàn đã phát hiện có 15 điểm có nguy cơ sạt lở cao, trong đó, khu Co Hương với 24 hộ dân được đánh dấu là khu vực đặc biệt nguy hiểm, cần phải di dời khẩn cấp.
Qua đó, huyện đã báo cáo tỉnh và có kế hoạch di dời, bố trí tái định cư cho các hộ ở Co Hương. Vị trí xây dựng khu tái định cư đã được xác định, với tổng diện tích khoảng 3ha, tổng mức đầu tư gần 14 tỷ đồng. Tuy nhiên đến nay, việc di dời các hộ dân vẫn chưa thực hiện được do không có kinh phí. “Trước mắt, để bảo đảm an toàn cho người dân, địa phương cũng chỉ biết tuyên truyền, vận động người dân cảnh giác, chủ động ứng phó khi xảy ra thiên tai và sạt lở đất”, ông Sinh cho hay.
Từ thực tế ở Co Hương đang khiến người dân lo ngại khi liên tưởng đến sự kiện xảy ra ở xã Na Mèo năm 2019, khi sau một đêm trận lũ xóa sạch cả bản Sa Ná. Vì vậy, các cấp chính quyền, cơ quan chức năng cần ưu tiên nguồn lực di dời các hộ dân Co Hương đến nơi an toàn. Đừng để Co Hương đối diện với nguy cơ trở thành bản Sa Ná thứ hai…
Năm 2019, qua khảo sát của Tổng cục Phòng chống thiên tai trên địa bàn xã Tam Thanh, Đoàn đã phát hiện có 15 điểm có nguy cơ sạt lở cao, trong đó, khu Co Hương với 24 hộ dân được đánh dấu là khu vực đặc biệt nguy hiểm, cần phải di dời khẩn cấp.”
Nguyễn Văn Sinh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
huyện Quan Sơn