Trách nhiệm của toàn xã hội
Di sản Văn hóa Việt Nam là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, và là một bộ phận của di sản văn hóa nhân loại, có vai trò to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của Nhân dân ta. Vì vậy, trong suốt quá trình xây dựng và phát triển đất nước, Đảng, Nhà nước ta luôn luôn coi trọng, quan tâm và xác định di sản văn hóa là bản sắc của văn hóa dân tộc, là cơ sở để xây dựng nền văn hóa mới, con người mới, là một nguồn lực để xây dựng và phát triển đất nước.
Một trong những sự kiện nổi bật đánh giá về công tác bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam là vào tháng 12/2017, Hát Xoan Phú Thọ trở thành di sản đầu tiên được UNESCO đưa ra khỏi Danh sách Di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và sau đó ghi danh vào Danh sách Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Với kết quả nêu trên, Việt Nam đã đóng góp kinh nghiệm cũng như thể hiện nỗ lực cho việc bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Hơn 2 tháng sau khi nước nhà giành được độc lập, ngày 23/11/1945, Chủ tịch Chính phủ lâm thời Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 65/SL “Ấn định nhiệm vụ của Đông Phương Bác cổ Học viện” - Sắc lệnh đầu tiên của Nhà nước ta về việc bảo tồn di sản văn hóa dân tộc. Sắc lệnh số 65/SL gồm các nội dung cơ bản như: Khẳng định việc bảo tồn cổ tích “là công việc rất quan trọng và rất cần thiết cho công cuộc kiến thiết nước Việt Nam”; Đông Phương Bác cổ Học viện có nhiệm vụ bảo tồn cổ tích trong toàn cõi Việt Nam.
Sắc lệnh số 65/SL tuy ngắn gọn, nhưng súc tích, phản ánh những tư tưởng, quan điểm rất cơ bản, sâu sắc của Nhà nước ta đối với việc bảo tồn di sản văn hóa, cho đến nay vẫn giữ nguyên ý nghĩa lý luận và thực tiễn trong sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của đất nước.
Ngày 24/2/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 36/2005/QĐ - TTg về việc hàng năm lấy ngày 23/11 là “Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam”. Việc tổ chức ngày Di sản Văn hóa có ý nghĩa to lớn trong việc tăng cường ý thức trách nhiệm, niềm tự hào của những người làm công tác bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Sau này, Nhà nước ta ban hành nhiều văn bản pháp luật khác về bảo tồn di sản văn hóa, từng bước đồng bộ hơn, toàn diện hơn, cụ thể hơn, như: Luật Di sản Văn hóa (2001); Luật sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa (2009); 9 Nghị định của Chính phủ, 3 quyết định và 1 chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, 15 thông tư, 8 quyết định, 3 chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ… Đó là “kim chỉ nam” quan trọng mang tính chính thể trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa ở Việt Nam.
Công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc được nâng lên tầm mới, kể từ khi Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 208/2011/QĐ-TTg, ngày 14/2/2011. Theo đó, công tác vận động để Việt Nam có nhiều di sản được UNESCO công nhận là một trong 5 hoạt động chính của Chiến lược Ngoại giao văn hóa.
Kế thừa những thành tựu đã đạt được, ngày 30/11/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2013/QĐ-TTg, ngày 30/11/2021, phê duyệt Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030 với quan điểm bám sát chủ trương, đường lối đối ngoại và chính sách phát triển văn hóa của đất nước. Một trong những mục của Chiến lược là đến năm 2030, Việt Nam mong muốn có trên 60 di sản, danh hiệu được quốc tế công nhận; có trên 10 danh nhân người Việt Nam được quốc tế vinh danh.
Thành viên tích cực trong bảo tồn di sản
Việt Nam chính thức tham gia Công ước Công ước về bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới (Công ước UNESCO 1972) từ ngày 19/10/1987. Theo đánh giá của UNESCO, từ khi tham gia Công ước UNESCO 1972, Việt Nam đã trở thành một thành viên tích cực. Việt Nam đã hợp tác với UNESCO triển khai nhiều dự án để hỗ trợ các địa phương trong bảo vệ, thúc đẩy các thực hành văn hóa đa dạng và phong phú.
Ở trong nước, bên cạnh nguồn lực từ ngân sách đầu tư cho công tác bảo tồn, tôn tạo thì những cuộc vận động Nhân dân sống trong vùng di sản, tham gia bảo vệ môi trường và các hoạt động, góp phần chăm sóc di sản đã dược phát động, đã nhận được sự hưởng ứng, tham gia tích cực của Nhân dân. Đặc biệt, di sản văn hóa của các DTTS và hàng ngàn di tích thuộc các tôn giáo, tín ngưỡng đình chùa, nhà thờ được xếp hạng, đầu tư chống xuống cấp và tôn tạo đã góp phần vào sự củng cố khối đại đoàn kết dân tộc.
Về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực di sản văn hóa, Việt Nam đã tham gia Công ước 1972, Công ước của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (Công ước 2003), Công ước của UNESCO về bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa (Công ước 2005). Sắp tới, sẽ tham gia Công ước của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa dưới nước (Công ước 2001).
Từ sau năm 1987, sau khi tham gia Công ước 1972, Việt Nam đã đạt được bước tiến quan trọng về nhận thức, lý luận và thực tiễn trong bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Việc này được thể hiện qua hệ thống pháp luật về di sản văn hóa được xây dựng dần tiệm cận với tinh thần của Công ước.
Trong khuôn khổ cơ chế UNESCO nói chung và Công ước 1972 nói riêng, Việt Nam là thành viên có trách nhiệm, uy tín, luôn hoàn thành tốt, chất lượng các nghĩa vụ thành viên, được cộng đồng quốc tế công nhận, đánh giá cao. Trong giai đoạn 2013 2017, Việt Nam được tín nhiệm, bầu là thành viên Ủy ban Di sản Thế giới, cơ quan gồm 21 quốc gia đại diện các nước thành viên Công ước UNESCO 1972, thúc đẩy công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới trên phạm vi toàn cầu.
Ngày 5/9/2005, Việt Nam tiếp tục tham gia và đã trở thành một trong 30 quốc gia đầu tiên gia nhập Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Trong quá trình tham gia, Việt Nam đã từng giữ vai trò là thành viên Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 nhiệm kỳ 2006 - 2010, với nhiều thành công và ủng hộ cao từ các quốc gia thành viên.
Đặc biệt, tại kỳ họp Đại hội đồng lần thứ 9 các quốc gia thành viên Công ước 2003 vào tháng 7/2022, Việt Nam đã trúng cử Ủy ban Bảo vệ di sản di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO nhiệm kỳ 2022 - 2026 với số phiếu cao nhất. Điều này cho thấy uy tín, vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao, đặc biệt là trong giữ gìn, bảo tồn, phát huy các giá trị di sản trong nước và thế giới.
Đây cũng là cơ hội thuận lợi để Việt Nam tiếp tục đóng góp một cách chủ động, tích cực hơn nữa trong các chương trình, định hướng lớn của UNESCO nói chung về văn hóa, quảng bá rộng rãi hơn nữa các giá trị đặc sắc văn hóa, con người Việt Nam trên trường quốc tế.
Những năm qua, Việt Nam đã chủ động, tích cực tham gia vào các tổ chức quốc tế để nâng vị thế và tầm ảnh hưởng; xây dựng và triển khai kế hoạch ứng cử vào 3 cơ quan quan trọng của UNESCO là Hội đồng Chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2021 - 2025, Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2023 - 2027, Ủy ban liên Chính phủ về Bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể, nhiệm kỳ 2022 - 2026. Việt Nam cũng đảm nhiệm một số vị trí quan trọng tại các ủy ban chuyên môn, như Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội UNESCO thế giới, nhiệm kỳ 2011 - 2015; Phó Chủ tịch Ủy ban Hải Dương học khu vực Tây Thái Bình Dương (IOC/ WESTPAC), nhiệm kỳ 2012 – 2015; Phó Chủ tịch Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương (MOWCAP), nhiệm kỳ 2014 - 2018 và mới được bầu vào Hội đồng chấp hành UNESCO, nhiệm kỳ 2021 - 2025...