Quả ngọt từ Chỉ thị 40
Gần 10 năm qua, với việc triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW, nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể trên địa tỉnh Đồng Nai đã được nâng cao rõ rệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện tín dụng chính sách xã hội cũng như hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH). Sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi từ cấp ủy, chính quyền các cấp dành cho hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã được tuyên truyền, triển khai, thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn.
Ông Nguyễn Thanh Vũ, Giám đốc phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Định Quán cho biết: Qua 10 năm thực hiện Chị thị số 40 cấp ủy, chính quyền các cấp trong huyện Định Quán đã thống nhất quan điểm về vai trò, vị trí của tín dụng chính sách trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, an sinh xã hội tại địa phương. Với phương thức “giao dịch tại nhà - giải ngân, thu nợ tại xã”, NHCSXH huyện Định Quán đã phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác quản lý 271 Tổ tiết kiệm và vay vốn và hằng tháng tổ chức giao dịch tại 14/14 Điểm giao dịch tại các xã, thị trấn.
Các tổ giao dịch tại xã được trang bị đầy đủ điều kiện hoạt động đảm bảo an ninh, an toàn cho phiên giao dịch; cung cấp dịch vụ tiết kiệm cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác, đã thực hiện 96 % khối lượng giao dịch ngay tại xã. Sự vào cuộc tích cực của hệ thống chính trị, nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% ấp, khu phố trên địa bàn huyện, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi một cách nhanh chóng, kịp thời, thuận lợi.
Tính đến nay, tổng dư nợ tại NHCSXH huyện Định Quán đạt 520 tỷ đồng, với 12 chương trình tín dụng được thực hiện giúp cho 13.507 hộ vay vốn. Nợ quá hạn rất thấp so với mặt bằng chung của tỉnh.
Việc huy động nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội cũng được Huyện uỷ, HĐND, UBND huyện quan tâm. Mặc dù ngân sách huyện còn hạn hẹp nhưng xác định được tầm quan trọng và ý nghĩa nhân văn của tín dụng chính sách xã hội. Hằng năm, UBND huyện trình HĐND huyện trích một phần ngân sách địa phương chuyển sang NHCSXH huyện nhằm bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Giai đoạn 2014 - 2024, UBND huyện đã chuyển 19,5 tỷ đồng sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, ông Nguyễn Thanh Vũ Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Định Quán cho biết thêm.
Trong gần 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã giúp 366.850 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn với số tiền hơn 11.739 tỷ đồng. Góp phần tích cực cùng các giải pháp của các cấp, các ngành duy trì, tạo việc làm mới cho gần 116.481 người lao động; hơn 18 ngàn lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng, cải tạo hơn 353.700 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; đặc biệt đã giúp 55.732 hộ nghèo và hộ cận nghèo vượt ngưỡng nghèo, góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo của tỉnh từ 4,01% cuối năm 2014 xuống còn 1,36% đầu năm 2024.
Bên cạnh có, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội cũng góp phần không nhỏ trong việc tỉnh Đồng Nai thực hiện thắng lợi chương trình xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh đó, thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh đã nhận thức rõ rệt hơn về vai trò, vị trí của tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội của địa phương. Trên cơ sở đó, đã tạo điều kiện thuận lợi cho NHCSXH thực hiện tốt các nhiệm vụ của mình, nhất là về địa điểm, thời gian đối với các buổi làm việc tại điểm giao dịch xã, phường. Mỗi địa phương đã bố trí 1 điểm giao dịch thực hiện các nghiệp vụ giải ngân cho vay, thu nợ, thu lãi, huy động tiền gửi tiết kiệm... phục vụ các đối tượng ngay tại xã, phường vào một ngày cố định trong tháng. Chính sự thuận lợi về phương thức vay vốn, lãi suất ưu đãi, đã khiến hoạt động tín dụng chính sách là điểm tựa cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống.
Tiếp tục tăng cường nguồn lực cho tín dụng chính sách
Ông Lê Bá Chuyên, Giám đốc NHCSXH chi nhánh tỉnh Đồng Nai cho biết, với việc triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư, hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tạo điều kiện thuận lợi cấp ủy, chính quyền các cấp, đặc biệt là việc tập trung, bố trí nguồn lực, ưu tiên bố trí ngân sách ủy thác qua NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách, hỗ trợ phương tiện, trang thiết bị, trụ sở làm việc cho NHCSXH; chỉ đạo lồng ghép, gắn kết vốn tín dụng chính sách với việc thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn, nên chất lượng, hiệu quả sử dụng vốn được nâng cao.
Tính đến ngày 30/4/2024, tổng nguồn vốn do NHCSXH tỉnh quản lý cho vay đạt hơn 5.350 tỷ đồng, tăng 3.620 tỷ đồng, tăng 209% so với năm 2014 thời điểm triển khai Chỉ thị số 40, trong đó nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH đạt 1.453 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 27,2% tổng nguồn vốn, tăng 1.349 triệu đồng và tăng 1.304% so với năm 2014.
Để Chỉ thị 40 tiếp tục phát huy hiệu quả, theo ông Lê Bá Chuyên, trong thời gian tới NHCSXH tỉnh tiến tục phối hợp với các Sở, ban ngành liên quan tham mưu tốt cho cấp ủy, chính quyền các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, trong đó chú trọng tham mưu về tập trung nguồn lực, tăng cường nguồn vốn ủy thác để đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách, gắn kết nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội với việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia của tỉnh.
Đồng thời tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội; lồng ghép hiệu quả vốn tín dụng chính sách với các hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, hỗ trợ kỹ thuật… nhằm giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách sử dụng vốn hiệu quả, nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng, qua đó phát huy tốt đa được hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế -xã hội trên địa bàn tỉnh.