Dân tộc Bru-Vân Kiều ở Việt Nam có các nhánh, nhóm địa phương như: Trì, Khùa, Ma Coong…với dân số khoảng 95 nghìn người (Số liệu điều tra 53 DTTS năm 2019). Đồng bào Bru-Vân Kiều ở nước ta cư trú chủ yếu là ở phía Đông dãy Trường Sơn kéo dài từ Quảng Bình vào đến Thừa Thiên Huế. Một điều đặc biệt, phần lớn người Bru-Vân Kiều ở Bắc Trung Bộ đều lấy họ Hồ (mang họ của Bác) làm họ chung. Đó là cách mà người Bru-Vân Kiều thể hiện lòng thành kính đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng như lòng trung thành, niềm tin tuyệt đối dành cho Đảng ta.
Ông Hồ Viết Ái, nguyên Trưởng phòng Dân tộc huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế), là người DTTS lại từng làm công tác dân tộc nên ông rất hiểu vai trò, ý nghĩa của tiếng đàn Ta Lư trong đời sống đồng bào. Mới đây, có dịp về A Lưới, chúng tôi được ông Hồ Viết Ái chia sẻ: Giữa đại ngàn Trường Sơn, một năm người Bru Vân Kiều có 6 lễ hội chính: Lễ hội mừng lúa mới, lễ hội cồng chiêng, lễ hội A riêu Ping (lễ cải táng cho người chết), lễ hội AdaPựt (tết cổ truyền của đồng bào Bru-Vân Kiều), lễ hội uống rượu thề và nhiều lễ hội phụ mang đậm bản sắc truyền thống. Trong các dịp lễ hội, những làn điệu dân ca Tà oải, Xa nớt, Roai troong, hay như những âm thanh thân thuộc từ đàn Ta Lư, chiêng Parama, cồng Coang…là thứ không thể thiếu.
Vừa dứt lời, ông dẫn tôi đi đến nhà già làng Hồ Văn Hạnh ở thôn A Niêng Triêng 1, xã Trung Sơn. Dù đã ở tuổi xưa nay hiếm nhưng giọng nói già Hạnh vẫn sang sảng, đôi chân vẫn thoăn thoắt đi lấy từng loại nhạc cụ. Rồi già giới thiệu cơ man nào là cồng, chiêng, tù và khèn bè...Chỉ tay lên cao, phía bức tường đốc nhà, già Hạnh chậm rãi: “đó là đàn Ta Lư, loại nhạc cụ đã ăn vào tâm hồn bao thế hệ đồng bào Bru-Vân Kiều và Tà Ôi”.
Đàn Ta Lư có 2 dây, được làm bằng gỗ mực, có thùng đàn rỗng. Loại nhạc cụ này phục vụ cho các đôi nam nữ, vừa hát dân ca kết hợp với các bài hát đương đại. Đặc biệt nó được dùng trong các lễ hội vui tươi, nhộn nhịp. Tiếng đàn Ta Lư trong trẻo, bay bổng vượt qua cả dãy Trường Sơn thể hiện ước mong bình yên, no đủ của đồng bào Bru-Vân Kiều, Tà Ôi…
Theo đường mòn Hồ Chí Minh ngược ra Bắc, Đakrông và Hướng Hóa (Quảng Trị) là 2 huyện có phần lớn dân số là đồng bào Bru-Vân Kiều đang sinh sống. Ngỏ ý muốn được tìm hiểu về đàn Ta Lư, Trưởng phòng Văn hóa huyện Hướng Hóa Nguyễn Thị Huyền giới thiệu: “Nhà báo muốn tìm hiểu về đàn Ta Lư thì lên xã Hướng Lập, gặp chị Tâm, một người con của đồng bào Bru-Vân Kiều rất nặng lòng và am hiểu về đàn Ta Lư”.
Chị Hồ Thị Tâm ở thôn A Xóc Cha Lỳ, xã Hướng Lập là người có thâm niên 30 chơi đàn Ta Lư. Không những chơi đàn giỏi, chị Tâm còn chế tác được đàn Ta Lư. Đón khách lạ sau phút bối rối, chị nhập cuộc bằng tiếng đàn Ta Lư đệm lời “Cảm ơn người mà em thương/Cảm ơn cánh tay anh như cánh rừng già/Che chở em/Dù chân anh lội qua mười con suối/Trái tim vẫn ấm về em…”.
Rồi giọng chị như trùng xuống, tuổi thơ của mình cũng như bao đứa trẻ ở đây đã gắn bó với tiếng đàn Ta Lư. Niềm vui và nỗi buồn trong cuộc sống đều được gửi gắm vào trong từng ca từ và giai điệu của chiếc đàn này. Giờ đây, đời sống của bà con dân bản đã được nâng lên, đời sống văn hóa cũng phong phú hơn nhiều. Giới trẻ có nhiều lựa chọn hơn trong thưởng thức âm nhạc. Mình cũng lo, rừng xanh thưa dần tiếng Ta Lư!
Đồng bào Bru-Vân Kiều không còn sử dụng đàn Ta Lư bó hẹp như trước, thay vào đó họ đã biết mở rộng, biết đưa đàn Ta Lư kết hợp với các làn điệu dân ca lên sân khấu biểu diễn. Tuy nhiên, để đàn Ta Lư của người Bru- Vân Kiều có cơ hội phát huy giá trị trong đời sống hiện đại, thì tất yếu cần sự hỗ trợ thích hợp để bảo tồn di sản văn hóa truyền thống này đúng nghĩa.