Buôn Ea Kmar chủ yếu là đồng bào dân tộc Ê Đê sinh sống. Lớp học bắt nguồn từ đề tài nghiên cứu “Dạy học gằn liền với bối cảnh văn hóa, xã hội” của Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Phương, giảng viên bộ môn Vật lý, trường Đại học Tây Nguyên. Với sự hỗ trợ và đồng hành của nghệ sĩ Nguyễn Trường, nguyên giảnh viên trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Đắk Lắk, người đã có thời gian dài gắn bó và nghiên cứu âm nhạc dân gian Tây Nguyên, lớp học diễn ra đều đặn vào chủ nhật hàng tuần.
Đến với lớp học, các em học sinh không chỉ được truyền dạy sử dụng các loại nhạc cụ mà còn được hướng dẫn chế tác một số loại nhạc cụ bằng tre nứa.
Em Hri Byă, buôn Ea Kmar cho biết: Tham gia lớp học, em được thầy Trường và cô Phương hướng dẫn rất nhiệt tình. Đến nay, em không chỉ sử dụng thành thạo một số nhạc cụ mà còn chế tác và trình diễn các nhạc cụ như ching kram, đinh pơng, ching anap mô, một số nhạc cụ bằng tre nứa. Quan trọng nhất là em hiểu thêm giá trị nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Để việc truyền dạy đạt hiệu quả, nghệ sĩ Nguyễn Trường chia nhóm để các em tiện tập luyện. Theo đó, nghệ sĩ Nguyễn Trường chia lớp thành 5 - 6 nhóm, mỗi nhóm sẽ được học những loại nhạc cụ khác nhau, sau đó các nhóm chia sẻ, truyền lại cho nhau.
Nghệ sĩ Nguyễn Trường chia sẻ: các em tham gia lớp học đều rất yêu thích nhạc cụ, ham học, chịu khó. Vì vậy, chỉ hướng dẫn trong thời gian ngắn, các em đã nắm bắt cơ bản những kỹ năng chế tác và trình diễn một số loại nhạc cụ. “Điều tôi mong muốn nhất chính là tạo cho các em sân chơi bổ ích và góp phần vào công tác bảo tồn văn hóa. Để các em trở thành những truyền nhân trẻ nối tiếp, giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc”.
Một số hình ảnh của lớp học nhạc cụ tre nứa: