Huyện miền núi rẻo cao Tương Dương (Nghệ An) có 6 dân tộc anh em sinh sống gồm: Kinh, Khơ Mú, Ơ Đu, Thổ, Mông và Thái. Mỗi dân tộc đều có những nét văn hóa truyền thống độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc. Trong đó phải kể đến các loại nhạc cụ dân tộc, do chính người dân sáng tạo ra trong cuộc sống lao động, sản xuất, sinh hoạt như khèn bè, sáo, pí, tùng tinh, trống, khèn lá... Các loại hình nhạc cụ tạo ra các loại âm thanh trầm bổng khác nhau, để diễn tả tư tưởng, tình cảm, đời sống sinh hoạt, văn hóa tinh thần, ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước và con người.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của quá trình hội nhập khiến cho văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS ngày càng bị mai một, trong đó có nhạc cụ dân tộc. Trước thực trạng đó, vừa qua, Đoàn Thanh niên thị trấn Thạch Giám (huyện Tương Dương) phối hợp với CLB Bảo tồn và Phát huy các loại hình nhạc cụ dân tộc tổ chức lớp truyền dạy nhạc cụ dân tộc miễn phí cho thanh, thiếu nhi Hè năm 2023 tại Nhà Văn hóa thị trấn Thạch Giám, huyện Tương Dương.
Các nghệ nhân truyền dạy là những người nông dân, bảo vệ, giáo viên hay cán bộ hưu trí... Mỗi người mỗi công việc, mỗi hoàn cảnh khác nhau, nhưng họ có điểm chung là yêu văn hóa truyền thống của dân tộc và tâm huyết được truyền dạy cho thế hệ trẻ những nét đẹp của văn hóa dân tộc mình.
Để đến với lớp học, nghệ nhân Lay Đại Cương (70 tuổi ở Bản Vẽ, xã Yên Na) phải vượt quãng đường hơn 25km. Dù đường xa nhưng ông Cương vẫn tuần 3 buổi đến lớp để trao truyền những nét văn hóa của dân tộc mình cho các cháu thanh, thiếu niên. Ông Lay Đại Cương chia sẻ: “Đường đến lớp khá xa, đi lại cũng vất vả. Nhưng đến lớp thấy các cháu chăm ngoan, ham học thì những mệt nhọc đều tan biến”.
Anh Lương Văn Huỳnh, Chủ nhiệm CLB Bảo tồn và Phát huy các loại hình nhạc cụ dân tộc huyện Tương Dương cho biết: “Bản thân tôi đam mê các làn điệu dân ca của đồng bào dân tộc Thái từ nhỏ. Vì dành tình yêu cho tiếng khèn bè, tiếng sáo, tiếng pí, tiếng tùng tinh… nên hễ ở đâu có người chơi nhạc cụ dân tộc là tôi tìm đến để tìm hiểu, học cách sử dụng. Cũng vì muốn giữ lại nét văn hóa của dân tộc cho thế hệ sau nên khi được mời tham gia truyền dạy nhạc cụ dân tộc thì tôi và tất cả anh em trong CLB đều nhất trí ủng hộ.”
Trong số các học viên, em Vi Trí Phúc (10 tuổi) tuy còn nhỏ tuổi nhưng rất đam mê nhạc cụ dân tộc. Từ khi tham gia lớp học nhạc cụ, em Phúc chưa nghỉ một buổi học nào. Có năng khiếu, lại đam mê nên theo học chưa đầy 1 tháng, Phúc đã biết thổi sáo và đánh trống hội. Trí Phúc chia sẻ: “Hiện, cháu đã biết thổi sáo, đánh trống, đánh chiêng. Đến đây học cháu cảm thấy rất vui”.
Việc mở lớp truyền dạy nhạc cụ dân tộc cho thế hệ trẻ có ý nghĩa hết sức quan trọng trong kế thừa, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, tạo cơ hội cho thế hệ trẻ được học tập, được thỏa mãn niềm đam mê. Đây còn là sân chơi bổ ích, lành mạnh, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tạo cơ sở, tiền đề để đưa các giá trị văn hóa truyền thống đến với thế hệ trẻ, kịp thời phát hiện bồi dưỡng các hạt giống mới.