Nhiều ngày qua, ở tỉnh Vĩnh Long, giá khoai lang tím đã xuống giá ở mức kỷ lục, chỉ còn khoảng 650 - 1.000 đồng/kg, người dân trồng khoai thua lỗ nặng nề. Theo người dân ở huyện Bình Tân, mỗi công đất (1.000m2), nông dân lỗ tầm từ 15 triệu đến 17 triệu đồng, còn đất đi thuê để trồng khoai, phải chịu lỗ lên đế trên 20 triệu đồng.
Gia đình anh Nguyễn Văn Tấn ở ấp Tân Mỹ, xã Tân Thành, huyện Bình Tân vụ này trồng 15 công đất khoai lang tím Nhật (loại xuất khẩu): “Mọi năm giá có giảm cũng có người mua, cũng vớt vát được chút ít để vụ sau xuống giống. Năm nay, khoai để trắng ngoài ruộng cũng không ai mua, cho người ta cũng không lấy. Vụ sau không biết tính như thế nào vì vốn liếng đã thua lỗ hết” , anh Tấn buồn bã chia sẻ.
Để hỗ trợ người dân trồng khoai lang, tỉnh đã kêu gọi các cơ quan, đơn vị, ban ngành, đoàn thể, doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, qua chương trình giá khoai được bán ra 3.000 đồng/ kg.
Anh Hứa Mộc Thanh, công tác tại một cơ quan Trung ương đóng tại TP. Cần Thơ cho biết: Công đoàn trường nơi vợ anh làm giáo viên mầm non, thuộc huyện Bình Tân, Vĩnh Long, đã phát động phong trào trong toàn trường “Cùng nông dân tiêu thụ khoai”.
"Hàng ngày đi làm từ nhà, tôi chở theo 20 - 30kg giao dùm cho “Công đoàn vợ”. Anh em trong cơ quan và bạn bè quen biết, thấy vậy cũng ủng hộ để nông dân có thêm 20.000 ngàn/kg thay vì tự bán có 1.000 ngàn đồng. Dù không tăng thêm thu nhập mà phải mất thời gian chở khoai đi giao, nhưng tôi thấy thấy vui, Vừa giúp vợ hoàn thành nhiệm vụ, vừa giúp cho bà con trồng khoai”, anh Thanh chia sẻ.
Một số hệ thống siêu thị đã tung các chương trình hỗ trợ giải cứu nông sản, bán hàng không lợi nhuận, nhằm hỗ trợ nông dân thu hồi vốn. Cùng với đó, việc sáng tạo các loại bánh từ khoai lang như: bánh trôi nước, khoai sấy, khoai chiên, thạch khoai lang,… đang được nhiều doanh nghiệp, cửa hàng triển khai nhằm góp phần giúp tiêu thụ nông sản bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã được người tiêu dùng đón nhận.
Cũng giống như Vĩnh Long, nhiều ngày qua, nông dân ở huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp cũng mất ăn mất ngủ, vì còn khoảng 8 nghìn tấn khoai lang tím vẫn ở trên ruộng. Để hỗ trợ nông dân, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa yêu cầu, huyện Châu Thành phối hợp với các ngành, đoàn thể, địa phương doanh nghiệp cùng chung tay tiêu thụ nông sản. Về lâu dài, Chủ tịch đề nghị nông dân phải tổ chức lại sản xuất, liên kết với các doanh nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng vùng trồng đạt tiêu chuẩn an toàn, xây dựng thương hiệu và nâng cao khả năng chế biến nông sản sau thu hoạch.
Trước đó không lâu, người dân ở thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng cũng điêu đứng vì giá hành tím tụt dốc không phanh, trên 50 nghìn tấn hành tím tồn đọng vì không thể xuất bán. Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đã có văn bản kêu gọi các đơn vị, ban ngành, đoàn thể chung tay hỗ trợ giúp bà con. Đồng thời, nhiều giải pháp lâu dài cũng được lên kế hoạch thực hiện như: chuyển đổi cây trồng, quy hoạch vùng trồng, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo chuỗi cung ứng...
Hiện nay, không chỉ riêng khoai lang, hành tím, nhiều loại cây ăn trái khác của ĐBSCL cũng đang rớt giá. Trong đó, mít Thái chỉ còn khoảng 4 nghìn đồng – 5 nghìn đồng/kg; thanh long có giá khoảng 5 nghìn đồng - 7 nghìn đồng/kg; xoài giống Đài Loan có giá khoảng 3 nghìn đồng – 5 nghìn đồng/kg.
Để giải quyết tình trạng ùn ứ nông sản, nhiều chuyên gia cho rằng, trước mắt cần cấp hộ chiếu vắc xin cho nông sản, nhanh chóng lưu thông ở các cửa khẩu, sự liên kết của các bộ ngành tạo thuận lợi cho các loại nông sản được kịp thời xuất khẩu.
Theo Giáo sư Võ Tòng Xuân thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cần có nhóm chuyên gia tư vấn để hỗ trợ, nghiên cứu, giúp ngành nông nghiệp Việt Nam ngày càng phát triển. Đặc biệt, cần tích hợp các chính sách hỗ trợ để người nông dân vượt qua giai đoạn bị ảnh hưởng dịch bệnh nghiêm trọng như hiện nay.