Khó quản lý việc khai thác
Đơn Dương là huyện sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là rau màu thương phẩm với diện tích 27.060ha. Những diện tích này đòi hỏi nguồn nước tưới tương đối nhiều. Ngoài những phần đất sản xuất gần sông, suối có thể chủ động được nguồn nước thì phần còn lại, đa số người dân đều phải sử dụng giếng khoan, nhất là vào mùa khô hạn.
Theo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đơn Dương, cách đây 15 năm, đã có hơn 1.000 giếng khoan được khảo sát. Hiện tại, con số này đã tăng lên gấp mấy lần, bởi hễ nhà nào có diện tích đất sản xuất thì nhà đó có giếng khoan...
Bà Ma Hồng (xã Pró) cho biết: Trước đây, giếng của gia đình chưa bao giờ hụt nước, nhưng mấy năm gần đây phải bơm hơi để nén nước lên chứ bơm trực tiếp nước không lên. Tương tự, ông Nguyễn Văn Hùng ở thôn Hawai, xã Tu Tra cho biết, gia đình ông có 5 sào rau màu, vì không đủ nước tưới nên gia đình phải khoan thêm giếng. Nếu như trước đây, ông tốn khoảng 10 triệu đồng để khoan 12m là có nước, thì giờ chi phí đã đội lên 25 triệu đồng vì phải khoan sâu xuống lòng đất tới 20m.
Theo ông Hoàng Công Hiếu, hiện huyện chỉ có thể quản lý 78 giếng khoan của 13 công ty trên địa bàn huyện đã được UBND tỉnh cấp phép. Còn đối với các giếng khoan tại các hộ dân, có quy định khai thác không quá 10m3 nước/ngày. Nhưng trên thực tế, việc người dân khai thác bao nhiêu thì các ngành chức năng không thể nắm rõ. Do bị khai thác nhiều nên nguồn nước ngầm bị ảnh hưởng là điều tất yếu.
Cần có giải pháp lâu dài
Việc khai thác quá mức nguồn nước trong lòng đất mà không có sự kiểm soát chặt chẽ sẽ gây ra một số tác động như: Làm thấp mực nước ngầm, gây ảnh hưởng trực tiếp tới các công trình khai thác nước ngầm. Mặc dù biết nguồn nước ngầm đang dần cạn kiệt, thế nhưng người dân vẫn chưa ý thức bảo vệ nguồn nước mà chỉ nghĩ “tới đâu hay tới đó”, có nước thì cứ sử dụng, khi nào hết tính sau.
Trước tình hình nguồn nước ngầm đang có nguy cơ bị cạn kiệt, huyện Đơn Dương đã thực hiện các giải pháp tạm thời để tiết kiệm nguồn nước. Trước mắt, Phòng Tài nguyên và Môi trường sẽ quản lý chặt và kêu gọi bà con nông dân tiết kiệm nước tưới cho cây trồng, hoàn chỉnh hệ thống tưới tiêu để giảm lượng nước thất thoát, rò rỉ bằng giải pháp bê-tông hóa và kiên cố hóa kênh mương nhằm giảm áp lực cho nguồn nước ngầm. Diện tích ứng dụng công nghệ cao tưới nhỏ giọt cũng góp một phần cho việc tưới tiết kiệm nguồn nước.
Bên cạnh đó, các ngành chức năng đã tăng cường tổ chức thanh tra hoạt động của các nhà máy cấp nước và cách khai thác giếng khoan ở mỗi địa phương, có quy định cách sử dụng nước hợp lý nhằm bảo đảm nguồn nước, tránh thất thoát, gây ô nhiễm. Đồng thời, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện tham mưu giao cho UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các trường hợp hành nghề khoan nước trái phép; sử dụng, khai thác nước trong lòng đất không đúng quy định; cung cấp tài liệu cho đơn vị tư vấn tiến hành rà soát lập danh mục, lập hành lang bảo vệ nguồn nước.