Linh Thị Hồng là người dân tộc Sán Dìu. Ngôi trường em học nằm trên địa bàn xã miền núi duy nhất của thành phố Phúc Yên với gần nửa (147/312) học sinh là
người dân tộc thiểu số . Theo cô giáo Đỗ Thị Thanh Vân – Hiệu trưởng, Hồng là học sinh khó khăn nhất trong sinh hoạt và học tập, vì từ khi sinh ra, em đã dị tật 2 cánh tay. Ẩn sau vẻ ngoài ít nói, là một cô bé đầy nghị lực, thông minh, hiếu học.
Sinh năm 2007, đáng lẽ Linh Thị Hồng đã học lớp 7, nhưng do bệnh tật, sức khỏe yếu nên 9 tuổi, em mới bắt đầu học lớp 1. Nhớ lại quãng thời gian đồng hành cùng con gái đầu lòng ở viện nhiều hơn ở nhà, anh Linh Văn Ba – bố của Hồng cho biết, em bị bệnh về tiêu hóa, có năm phải mổ 4 lần.
Năm 2015, khi ấy Hồng 8 tuổi, “địa chỉ thường trú” của 2 bố con là Bệnh viện Nhi trung ương. Nằm viện lâu, các bác sĩ động viên bố đưa em xuống lớp trẻ của bệnh viện để chơi cho “đỡ chán”. Ở đó có nhiều đồ chơi, sách truyện, cô bé khuyết tật đã tỏ ra rất thích thú. Khi đỡ bệnh, trở về nhà, Hồng được đi học mẫu giáo.
Khi em trai vào lớp 1, Hồng ngồi bên cạnh “học lỏm” những lúc em ôn bài, đôi khi còn nhắc cả những chữ, những số em quên. Điều đó nhắc cho bố mẹ Hồng rằng, con gái họ cũng muốn đi học, và cần được đi học. Các cô giáo ở Trường tiểu học Ngọc Thanh C đã dang rộng vòng tay đón cô bé Linh Thị Hồng vào lớp 1 khi em tròn chín tuổi. Cô hiệu trưởng Đỗ Thị Thanh Vân nhớ lại, khi đó, ban giám hiệu và cô giáo chủ nhiệm đã phải thử qua rất nhiều cách sao cho Hồng có được một chỗ ngồi tốt nhất, thuận lợi nhất để có thể nghe giảng và viết được chữ. Phương án cuối cùng được “chốt” là Hồng sẽ đem theo chiếc chiếu cá nhân em vẫn ngồi ở nhà đến trải ở vị trí đầu lớp, nơi khoảng trống giữa bục giảng và bàn học sinh. Ở đó, Hồng cặm cụi dùng bàn chân tập viết những chữ cái đầu tiên trong đời.
Bút không rơi bởi bàn chân kẹp các vật nhỏ đã quen. Cô giáo trào dâng niềm xúc động khi bàn chân của cô học trò bé nhỏ viết nên những nét chữ đầu tiên, dù còn nguệch ngoạc. Ban đầu, sự kết hợp đôi chân chưa nhuần nhuyễn, những trang vở bị xoay đi xoay lại có khi nhàu nát nhưng Hồng luôn thể hiện sự bền bỉ, kiên trì đáng kinh ngạc.
Từ phòng làm việc của mình, cô hiệu trưởng thường xuyên theo dõi tình hình từng lớp học qua màn hình. Bốn năm nay, cô có thói quen đặc biệt lưu tâm đến lớp của Hồng: “Không khí ở lớp học này có đôi chút khác biệt. Trong giờ học, bạn nào viết hay làm toán xong trước có thể lên giúp đỡ Hồng. Giờ ra chơi, trên nền gạch sạch mát, các bạn chơi bắn bi, nói chuyện, cười đùa rôm rả. Mùa đông, mỗi khi ra vào, các bạn luôn có ý thức cài then cửa lớp để tránh gió lạnh lùa vào đúng chỗ Hồng ngồi. Tuy ngồi riêng một vị trí, Hồng chưa khi nào bị lạc lõng mà luôn được hòa mình giữa đám bạn hồn nhiên, nghịch ngợm nhưng cũng rất biết quan tâm” - cô giáo Vân kể. Với nhận thức nhanh và sự cần cù, nhẫn nại, Hồng được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ các năm học, đặc biệt, chữ viết mỗi ngày một hoàn thiện hơn.
Năm 2020, Linh Thị Hồng được nhà trường chọn tham gia giao lưu Tiếng Việt của chúng em (hoạt động giao lưu dành cho học sinh dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh) và giành Giải nhất hạng mục viết chữ đẹp cấp thành phố, Giải ba cấp tỉnh. Cuối năm 2020, Hồng có tên trong danh sách 130 học sinh, sinh viên xuất sắc tiêu biểu học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được Bộ Giáo dục và Đào tạo tuyên dương, khen thưởng. Con đường phía trước, với bố mẹ Hồng, có niềm vui xen lẫn những âu lo. Còn với cô bé 13 tuổi đang học lớp 4, chỉ có niềm tin và quyết tâm vượt lên hoàn cảnh./.