Lễ hội Lồng Tồng theo tiếng Tày nghĩa là hội xuống đồng, được tổ chức vào đầu mùa Xuân để tạ ơn trời đất, thần linh; cầu xin che chở cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, con người khỏe mạnh, no ấm, vạn vật sinh sôi. Lễ hội không chỉ là một hoạt động văn hóa tâm linh, mà còn là một dạng thức văn hóa nguyên hợp phản ánh ước muốn của cộng đồng về cuộc sống tốt đẹp nhân dịp đầu Xuân mới.
Năm 2023, Lễ hội Lồng Tồng kết hợp tổ chức Lễ hội đình Đồng Chức lần thứ nhất. Đình được lập nên để thờ Tĩnh Mục Hiển Minh Chiêu Ứng Đại vương Phạm Tôn Thần (tức Tiện Điền Nguyên soái Đại tướng quân Phạm Ngũ Lão), một danh tướng thời Trần và phối thờ các vị Thành hoàng làng đã có công khai phá ruộng đồng, tạo dựng xóm làng. Như vậy, lễ hội trong lễ hội, đã tạo ra hiệu ứng cộng hưởng, lan tỏa không khí vui tươi và ý nghĩa nhân văn.
Lễ hội Lồng Tồng 2023 diễn ra nhiều hoạt động phong phú, thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương tham gia. Phần hội gồm: Các trò chơi dân gian (đi cà kheo, guốc mộc, tung còn, đi cầu, bịt mắt đập bóng, đánh cừ); giao hữu bóng chuyền hơi nam và nữ, văn nghệ, trình diễn giã bánh giày, gói bánh Tày, bánh coóc mò, thi cấy lúa giữa các thôn, thi cuốc hố tra hạt… Ngoài ra, du khách còn được tham quan, mua sắm tại các gian hàng nông sản đặc hữu, dược liệu, các sản phẩm OCOP của huyện.
Bà Vi Thị Tuyến, 64 tuổi, một người dân tại xã Lương Mông cho biết, điểm độc đáo của Lễ hội Lồng Tồng ở Ba Chẽ khác với nhiều địa phương khác là ngoài nghi thức cuốc hố tra hạt còn có nghi thức cày tịch điền và phần thi cày giữa các đội.
“Những ai cày giỏi nhất, cày sâu, thẳng hàng và đúng kỹ thuật của các thôn thì được chọn về dự thi. Qua phần thi này, bà con chúng tôi cũng mong, quyết tâm vượt khó, làm giàu trên mảnh đất quê hương mình”, bà Tuyến giãi bày.
Phần lễ với lễ rước long ngai (rước thần), nghi thức tuyên chúc văn, dâng hương của các đại biểu, du khách và lễ phóng sinh… Trung tâm của Lễ hội là nghi lễ lồng tồng gồm: Rước thần Nông và Thành hoàng làng từ đình về cánh đồng Xóm Mới, lễ cầu mùa, cuốc hố tra hạt và các hoạt động cấy lúa ruộng, cấy lúa nương.
Anh Lê Duy Kỳ, một du khách đến từ Tp. Hạ Long hào hứng chia sẻ: “Tôi rất vui vì ngày hôm nay đúng dịp đi phượt, gia đình tôi được tham gia Lễ hội Lồng Tồng của người dân nơi đây. Tôi thấy lễ hội ở đây được chuẩn bị rất kỹ, chu đáo, nhiều hoạt động rất lạ mà lần đầu tiên tôi được xem và trải nghiệm”.
Lễ hội Lồng Tồng thể hiện niềm tin, mong muốn của đồng bào Tày nơi đây về một mùa màng tươi tốt, tạo ra của cải vật chất, nhà nhà no ấm, hạnh phúc. Trong sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc, Lễ hội Lồng Tồng không còn của riêng đồng bào Tày, mà đã trở thành ngày hội chung, nơi quy tụ bản sắc văn hóa các dân tộc…