Kênh mương thủy lợi ở xã Thanh Vận, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn được đầu tư từ nguốn vốn Chương trình MTQG 1719. (Ảnh minh họa)Đầu tư đồng bộ
Theo báo cáo của UBND tỉnh Đắk Lắk, triển khai Chương trình MTQG 1719, tính đến hết năm 2024, địa phương này đã thực hiện hỗ trợ nhà ở cho 316 hộ; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 900 hộ; đầu tư 15 dự án ổn định, sắp xếp dân cư tại chỗ cho đồng bào DTTS tại 7 huyện; đầu tư, xây mới 157 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống; đầu tư 18 công trình trường phổ thông dân tộc nội trú tại 14 huyện, thị xã, thành phố; đầu tư 2 dự án tại 2 Trung tâm y tế của 2 huyện nghèo.

Chương trình MTQG 1719 không chỉ đem lại những tác động tích cực, rõ nhất là việc đầu tư cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm, nhà ở, đất sản xuất...; và quan trọng nữa là đã góp phần thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nâng cao nhận thức trong Nhân dân về phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường sinh thái, xây dựng nông thôn mới và cộng đồng thôn bản ngày càng phát triển.
Ông Bùi Đình LongPhó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An
Cùng với đó, tỉnh đã quan tâm, đầu tư 1 dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng và xây dựng mới nhà văn hóa, khu thể thao thôn, buôn trên địa bàn 15 huyện, thị xã, thành phố; 1 dự án hỗ trợ đầu tư xây dựng 2 điểm đến du lịch tiêu biểu; duy tu bảo dưỡng 174 công trình cơ sở hạ tầng trong vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Nhờ đầu tư đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, đến nay, tại tỉnh Đắk Lắk hiện có 100% xã đã có đường ô tô đến trung tâm, 100% xã đã có điện lưới quốc gia, 97,2% thôn, buôn có điện và 98% hộ được dùng điện sinh hoạt, hơn 95% xã có điện thoại, 100% xã có trạm y tế.
Tương tự, tại tỉnh Quảng Trị, với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, đoàn thể, sự đồng thuận và chung tay, góp sức của Nhân dân, đặc biệt là đồng bào DTTS, với trên 188 tỉ đồng, tỉnh đã đầu tư mạnh mẽ cho Dự án 4, Chương trình MTQG 1719: Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi. Nhờ vậy, các công trình thiết yếu đã được đầu tư xây dựng, bộ mặt nhiều xã vùng sâu, vùng xa ở Quảng Trị được cải thiện, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên.
Cụ thể, các địa phương trong toàn tỉnh Quảng Trị đã đầu tư xây dựng 106 công trình giao thông nông thôn phục vụ sản xuất, kinh doanh và dân sinh; 7 công trình cung cấp điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh; 4 nhà sinh hoạt cộng đồng; 2 công trình sửa chữa trạm y tế; 18 công trình trường, lớp học; 4 công trình thủy lợi nhỏ; 1 công trình cải tạo, nâng cấp chợ; 4 công trình hạ tầng quy mô nhỏ khác do cộng đồng đề xuất; duy tu, bảo dưỡng 67 công trình.
Công trình đường giao thông vào các khu sản xuất bản Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An. (Ảnh: Trung Kiên)Phát huy hiệu quả từ các công trình hạ tầng thiết yếu
Nhờ ưu tiên đầu tư đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, các công trình hạ tầng đã phát huy công năng, hiệu quả. Theo thống kê của UBND tỉnh Quảng Trị, đến nay, 100% xã, thôn bản đã có điện lưới quốc gia; 98,7% hộ sử dụng điện; 100% xã được phủ sóng truyền hình; 100% xã có đường giao thông đến trung tâm xã được cứng hóa; 77% số thôn, bản ấp có đường giao được cứng hóa đến trung tâm xã; 100% xã có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia; 100% số xã có trường tiểu học, 75% số xã có trường trung học cơ sở, 38 trường đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ xã có nhà văn hóa là 40,4%; tỷ lệ thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng đạt 88%.
Có thể khẳng định, với nguồn lực từ Chương trình MTQG 1719, các địa phương đã đặc biệt quan tâm nhiều đến nội dung đầu tư, hỗ trợ có liên quan trực tiếp đến người dân, như: Hỗ trợ đất ở, nhà ở, chuyển đổi nghề, nước sinh hoạt tập trung/phân tán (Dự án 1); đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc (Dự án 4)… Qua đó, đã mang lại những hiệu quả tích cực, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống cho người dân.
Đơn cử như ở tỉnh Nghệ An, riêng năm 2024, địa phương này đã thực hiện hỗ trợ nhà ở cho 86 hộ; hỗ trợ đất ở cho 725 hộ dân của 4 huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông và Quế Phong; hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 3.462 hộ và 7.030 hộ được hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán… Đồng thời, nguồn lực từ Chương trình MTQG 1719 đã giúp tỉnh Nghệ An có kinh phí đầu tư xây dựng 295 danh mục dự án cơ sở hạ tầng thiết yếu, như điện, đường giao thông, trường học, nhà văn hóa cộng đồng, thủy lợi, nước sinh hoạt...; đầu tư xây dựng 21 danh mục dự án trường học; đầu tư xây dựng 21 danh mục dự án về văn hóa; đã hoàn thành việc mua sắm, bàn giao trang thiết bị cho 228 nhà văn hóa…
Theo ông Bùi Đình Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An: Chương trình MTQG 1719 không chỉ đem lại những tác động tích cực, rõ nhất là việc đầu tư cơ sở hạ tầng điện đường, trường, trạm, nhà ở, đất sản xuất...; và quan trọng nữa là đã góp phần thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nâng cao nhận thức trong Nhân dân về phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường sinh thái, xây dựng nông thôn mới và cộng đồng thôn bản ngày càng phát triển.
Chương trình MTQG 1719 đã đi vào những chặng cuối của giai đoạn, sắp tới đây, Trung ương sẽ tổ chức sơ kết việc triển khai thực hiện Chương trình; rút ra những bài học kinh nghiệm. Đồng thời, bàn các giải pháp để triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình để sớm đưa các nguồn lực vào cuộc sống, tạo sức bật phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao đời sống cho đồng bào DTTS và miền núi trong những năm tiếp theo.