Từ chủ trương thúc đẩy phát triển vùng cao
Theo lãnh đạo ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP. Hạ Long, sau khi có Nghị quyết của Quốc hội sát nhập huyện Hoành Bồ vào TP. Hạ Long vào cuối năm 2019, thành phố Hạ Long đã đầu tư rất nhiều nguồn lực để phát triển vùng Hoành Bồ cũ để kéo nối giao thông; cũng như mức sống của người dân vùng cao, vùng DTTS tiệm dần với Hạ Long cũ.
Trong đó, nổi bật là năm 2022, TP. Hạ Long đã khởi công 02 dự án mang tính động lực gồm: Dự án nâng cấp, cải tạo, mở rộng ĐT.342 đoạn từ nút giao cầu vượt cao tốc Hạ Long - Vân Đồn đến thôn Đồng Trà, xã Đồng Lâm, đi qua địa bàn 2 thôn của xã, với chiều dài khoảng 9km là thôn Đồng Trà, thôn Đồng Quặng; Dự án tuyến đường liên xã đoạn từ Mỏ Đông, xã Sơn Dương đi qua thôn Đèo Đọc, thôn Cài, xã Đồng Lâm đến trung tâm xã Đồng Sơn đi qua địa bàn xã Đồng Lâm 9,5km (qua thôn Đèo Đọc và thôn Cài). Đến nay, 02 dự án này đã hoàn thành trên 95% khối lượng, dự kiến hoàn thành trước ngày 15/12/2023.
Theo đó, để thực hiện dự án này, có 120 hộ dân của xã Đồng Lâm phải bàn giao mặt bằng. Trong đó, nhiều hộ dân nằm trong ranh giới giải phóng mặt bằng chưa có chứng nhận quyền sử dụng đất nên việc thực hiện hỗ trợ, bồi thường, bố trí tái định cư gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Triệu Đức Hồng, Chủ tịch MTTQ xã Đồng Lâm cho biết: đứng trước nhiều khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, với sự quyết tâm của chính quyền xã Đồng Lâm nói riêng; cũng như thành phố Hạ Long nói chung, MTTQ và các đoàn thể xã đã tích cực phối hợp với đội ngũ Người có uy tín thôn, bản “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để phân tích, vận động các hộ dân.
Cùng với đó, MTTQ xã Đồng Lâm và các đoàn thể đã có hỗ trợ gần 300 công để hỗ trợ cho 34 hộ gia đình trong việc san mặt bằng, di chuyển đồ đạc, dựng các nhà tạm cho các hộ gia đình trong thời gian chờ nhà nước bố trí tái định cư hoặc chờ đến tuổi làm nhà theo phong tục của dân tộc Dao Thanh Phán
Ông Bàn Tài Vi, Người có uy tín thôn Đồng Trà, xã Đồng Lâm cho biết: “Trước kia, người dân chưa hiểu lắm về công tác giải phóng mặt bằng. Với vai trò Người có uy tín, tôi đã phối hợp với chính quyền ra sức vận động, phân tích để người dân hiểu, ủng hộ và bàn giao đất kịp thời cho công tác giải phóng mặt bằng làm đường. Cán bộ, lãnh đạo xã ở đây cũng tận tình lắm, không chỉ vận động người dân mà khi người dân đồng tình thì còn hỗ trợ người dân di chuyển đồ đạc...”.
Đảng viên nêu gương
Một trong những gương tiên phong, đi đầu trong việc bàn giao đất phục vụ công tác giải phóng mặt bằng, là gia đình anh Đặng Văn Dũng, hiện là Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Lâm. Anh Dũng nhớ lại, trong cái se lạnh của ngày giáp Tết năm 2022, gia đình anh (gồm 7 nhân khẩu) vẫn sẵn lòng đã bàn giao đất, di chuyển đồ đạc chuyển sang ở nhờ nhà anh trai và ở tạm 1 gian tại trường Mầm non cũ.
“Bản thân nhận thấy việc công trình hoàn thành sớm ngày nào, là bà con được hưởng lợi sớm ngày đó. Là một đảng viên, lãnh đạo xã nên tôi càng quyết tâm gương mẫu, vận động gia đình bàn giao đất, khắc phục khó khăn để kịp tiến độ giải phóng mặt bằng”, anh Dũng chia sẻ.
Gia đình anh Đặng Minh Ngân, thôn Đồng Quặng, xã Đồng Lâm là một trong những gương điển hình trong việc tiên phong bàn giao đất phục vụ cho việc giải phóng mặt bằng thực hiện tuyến đường nối từ thôn Trại Me (Sơn Dương) lên thôn Đồng Trà (Đồng Lâm).
Anh Ngân kể, trước kia tổng diện tích đất của gia đình bao gồm đất ở, đất vườn và đất nông nghiệp khoảng hơn 2000m2. Gia đình đã xây một ngôi nhà Thái kiên cố cùng hệ thống vườn ao chuồng đầy đủ, khang trang để phục vụ sống và lao động.
Thế nhưng, khi có thông báo về việc gia đình nằm trong danh sách bàn giao đất để giải phóng mặt bằng, từng là cán bộ xã, đảng viên nên gia đình gương mẫu thực hiện theo chủ trương của tỉnh, của thành phố cũng như các cấp chính quyền bàn giao 1700m2.
“Chúng tôi rất ủng hộ chủ trương này nên đã bàn giao đất phục vụ thi công tuyến đường. Hiện gia đình tôi đang dựng nhà tạm để chờ hoàn thiện lại sổ rồi chờ tái định cư tại chỗ”, anh Ngân cho biết.
Người dân đồng thuận
Thuộc thế hệ trẻ tuổi, anh Triệu Tiến Báo (sinh năm 1996), dân tộc Dao, thôn Đồng Trà cũng đã tiên phong bàn giao đất phục vụ cho tuyến đường. Anh Báo chia sẻ, vợ chồng anh cưới nhau vào cuối năm 2022. Vào thời điểm khởi công tuyến đường, vợ anh Báo đang mang bầu được 3 tháng con đầu lòng.
Ban đầu anh và gia đình cũng rất băn khoăn, lo lắng, bởi theo phong tục và quan điểm của người Dao, khi người trong gia đình có bầu thì kiêng kỵ việc đập phá, di chuyển đồ đạc. Thế nhưng, sau khi được lãnh đạo xã nhiều lần đến vận động, động viên, gia đình đã mời thầy về cúng, làm lễ để xin được chuyển nhà, bàn giao đất. Sau đó, anh Bảo đã bàn giao 165 m2 đất, di chuyển để cho đơn vị thi công làm đường.
“Nhà em mẹ cũng già, vợ bầu bí nữa nên khi chuyển về nhà tạm cũng khó khăn. Nhưng gia đình em đã được cán bộ xã, đoàn thanh niên giúp nhiều lắm, vận chuyển đồ đạc, cây trồng, vật nuôi....Xã và chính quyền địa phương cũng tạo điều kiện để sau hoàn thành tuyến đường thì gia đình được làm tái định cư tại chỗ nữa”.
Ông Hà Hữu Trọng, Phó Giám đốc ban Quản lý Quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố Hạ Long cho biết: Trong quá trình giải phóng mặt bằng để thi công tuyến đường nối từ thôn Trại Me (Sơn Dương) lên thôn Đồng Trà (Đồng Lâm), lúc đầu cũng gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, đây là vùng đồng bào DTTS nên trình độ, ngôn ngữ, cũng như sự khác biệt về văn hóa, tồn tại về quản lý đất đai từ nhiều thời kỳ để lại, là sự cản trở lớn cho việc triển khai đầu tư, giải phóng mặt bằng.
Nhờ chính quyền xã đã phát huy rất tốt việc tuyên truyền, vận động 100% hộ dân đồng tình, ủng hộ bàn giao mặt bằng để kịp thời triển khai đúng tiến độ. “Các công trình giao thông hoàn thành sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ trung tâm thành phố Hạ Long về các xã vùng cao; người dân trên địa bàn cũng thuận lợi, dễ dàng hơn trong việc giao thương giúp đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số”, ông Hà Hữu Trọng nhấn mạnh.
Với việc phát triển hạ tầng giao thông, TP.Hạ Long còn đưa ra nhiều chính sách, giải pháp để thúc đẩy phát triển vùng cao, đặc biệt là tranh thủ nguồn lực từ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển giữa miền ngược và miền xuôi trên địa bàn.
Bài 2: Đường lớn đã mở...