Mường Nhé là huyện vùng sâu, vùng xa, giao thông không thuận lợi, ít tiềm năng thế mạnh, đời sống bà con DTTS ở Mường Nhé còn kém phát triển. Do vậy, từ khi có các chương trình phát triển kinh tế - xã hội triển khai ở huyện Mường Nhé như: 30a, Chương trình 135, Đề án sắp xếp, ổn định dân cư phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh huyện Mường Nhé (gọi tắt là đề án 79)… đã tác động tích cực, làm thay đổi diện mạo vùng đồng bào DTTS, đời sống người dân có nhiều khởi sắc.
Ông Lò Văn Vanh, bản Phiêng Vai, xã Nậm Kè cho biết: Trước đây, đời sống của người dân rất khó khăn, thiếu thốn. Nhưng nhờ được Nhà nước đầu tư về cây, con giống, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi,…người dân bản Phiêng Vai chúng tôi triển khai mô hình trồng cây cam, mô hình chăn nuôi lợn, trâu bò giúp nhiều hộ gia đình có đời sống ổn định. Mỗi năm thu nhập từ nuôi lợn, chăn nuôi trâu, bò, nhiều gia đình có thu nhập hàng chục triệu đồng.
Ông Nguyễn Quang Hưng, Bí thư huyện Mường Nhé cho biết: Nhờ thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chương trình, dự án giảm nghèo, những địa bàn khó khăn, người nghèo có điều kiện sản xuất, đời sống của người dân từng bước được cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo hơn 74% vào năm 2015 đến nay giảm đi chỉ còn gần 59%, có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới, văn hóa, xã hội chuyển biến tích cực, chất lượng sự nghiệp giáo dục, y tế được nâng lên.
Tương tự tại huyện Điện Biên, nhờ đa dạng hoá sinh kế từ các nguồn lực hỗ trợ, đời sống của người dân từng bước vươn lên thoát nghèo.
Nhìn ngôi nhà khang trang của gia đình anh Lò Văn Lả, bản Nghịu, xã Thanh Luông, ít ai biết rằng, trước đây gia đình anh là một trong những hộ nghèo của xã. Nhưng từ năm 2014, nhờ được vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi, anh Lả đã đầu tư đào ao thả cá mang lại hiệu quả. Không chỉ được hỗ trợ vốn, anh còn được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật nên cá của gia đình anh Lả sinh trưởng nhanh, ít bị bệnh. Trung bình mỗi năm xuất bán từ 3 - 4 tấn cá thương phẩm. Ngoài nuôi cá, gia đình anh Lả còn trồng gần 7.000m2 cây ăn quả, như: Nhãn ghép, xoài, bưởi... Trừ chi phí, mỗi năm anh thu nhập hơn 100 triệu đồng. Từ một hộ nghèo, đến nay gia đình anh Lả đã trở thành một trong những hộ sản xuất kinh doanh giỏi của xã Thanh Luông.
Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Điện Biên, giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh đã thực hiện hỗ trợ trên 2.345 tỷ đồng từ Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Từ các dự án, tiểu dự án phát triển sinh kế đã hỗ trợ 1.293 lượt hộ chăm sóc, bảo vệ rừng, trồng rừng sản xuất; hỗ trợ 10.347 hộ tiền mua giống, phân bón chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao…
Đơn cử như đối với Chương trình 135, toàn tỉnh đã hỗ trợ 5.774 con trâu, bò cho hơn 8.000 hộ; 53.366 con gia cầm cho 692 hộ; hỗ trợ giống cây lương thực, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây dược liệu, cây lâm nghiệp cho 771 hộ; hỗ trợ 1.035 máy móc, thiết bị; hỗ trợ 3 hợp tác xã liên kết tiêu thụ dứa, dong riềng cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.
Hiệu quả từ việc đa dạng hoá sinh kế đã lan tỏa, nhân rộng cách làm cho hàng trăm, nghìn hộ dân khác cùng học hỏi, mạnh dạn đầu tư, phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo bền vững, làm giàu chính đáng. Kết thúc năm 2021, có khoảng 6.680 hộ dân vượt qua ranh giới đói nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm xuống còn 26,76% (giảm 3,21% so với năm 2020), riêng tỷ lệ hộ nghèo của các huyện 30a giảm còn 38,64% (giảm 4,5% so với năm 2020).
Theo ông Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước thông qua các chương trình, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS đã từng bước tạo điều kiện cho Điện Biên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, xóa đói giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc.