Hàng ngàn tỷ đồng “rót” về vùng khó
Theo các quyết định phân bổ vốn, thì sẽ có hàng ngàn tỷ đồng được giao về cho các địa phương để thực hiện Chương trình MTQG 1719. Tại Quyết định 1892 ngày 30/6/2022 của UBND tỉnh về việc giao mục tiêu, nhiệm vụ và dự toán ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình MTQG 1719 năm 2022, đối với dự án 4 về đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, thì cấp huyện được giao 309 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển là 299 tỷ đồng và vốn sự nghiệp 9,3 tỷ đồng.
Tại Quyết định 1891 ngày 30/6/2022 của UBND tỉnh về việc giao mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 cho cấp huyện, là hơn 1.666 tỷ đồng; trong đó Tương Dương 478 tỷ đồng; Kỳ Sơn 470 tỷ đồng; Quỳ Hợp 216 tỷ đồng; Con Cuông 139 tỷ đồng; Quế Phong 121 tỷ đồng…
Riêng năm 2023, tại quyết định 1425 ngày 22/5 của UBND tỉnh về việc phâ n bổ vốn sự nghiệp năm 2023, nguồn ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn tỉnh phân bổ cho cấp huyện là 25,207 tỷ đồng; trong đó huyện Kỳ Sơn là 6,348 tỷ đồng; Quỳ Hợp 4,539 tỷ đồng; Tương Dương 3,845 tỷ đồng; Quế Phong 3,305 tỷ đồng; Con Cuông 2,7 tỷ đồng; Quỳ Châu 2,7 tỷ đồng…
Từ nguồn vốn này, các địa phương ở Nghệ An đã triển khai thực hiện đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở, đáp ứng niềm mong mỏi của hàng ngàn hộ dân.
Theo ông Trương Văn Nam, Trưởng ban quản lý các dự án huyện Quỳ Hợp, giai đoạn 2021-2025, huyện được bố trí hơn 100 tỷ đồng. Theo đó, năm 2022-2023, huyện thực hiện 15 dự án, với hơn 79 tỷ đồng. Cụ thể, năm 2022 thực hiện 10 dự án và đã khởi công 7 dự án; năm 2023 có 5 dự án đã bố trí nhưng chưa khởi công do chưa hoàn thiện các thủ tục về đầu tư xây dựng. Ông Nam cho hay: Những công trình khởi công là những công trình thiết yếu như trường học, đường giao thông, nước sinh hoạt… ở các xã vùng sâu, vùng xa.
Tại hai bản Búng và Cò Phạt nằm trong vũng lòi Vườn quốc gia Pù Mát thuộc xã Môn Sơn (Con Cuông) đang có 237 hộ dân Đan Lai, với 984 nhân khẩu và 100% là hộ nghèo. Thực hiện Tiểu dự án 1, Dự án 9 thuộc Chương trình MTQG 1719, đồng bào Đan Lai (nhóm dân tộc Thổ) sinh sống ở vùng có khó khăn đặc thù được đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng; hỗ trợ phát triển sản xuất và sinh kế; hỗ trợ bảo tồn văn hóa truyền thống…
Ông Lương Viết Tùng, Trưởng phòng Dân tộc huyện Con Cuông cho biết: Hiện có 2 dự án đã khởi công là, xây dựng kè chống sạt lở và bến đò cho khu vực dân cư bản Khe Búng, Cò Phạt và xây dựng công trình điện sinh hoạt cho cụm dân cư khe Lẻ và Co Kè thuộc bản Cò Phạt, nguồn vốn được cấp năm 2022 cho Tiểu dự án 1, Dự án 9 là hơn 15,8 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân 609 triệu đồng. Nguồn vốn được cấp năm 2023 là 5,7 tỷ đồng.
Kỳ Sơn cũng là đơn vị đang triển khai nhiều dự án thuộc hạng mục hạ tầng thiết yếu. Năm 2022, cấp xã được đầu tư 41 công trình dự án, huyện được đầu tư 27 công trình dự án; năm 2023, cấp xã được đầu tư 27 công trình dự án và cấp huyện được đầu tư 1 công trình dự án. Đó là các công trình dự án thuộc các hạng mục nước sinh hoạt, nhà văn hóa, tái định cư, đường giao thông, trạm y tế, chợ, trường học, cầu dân sinh, điện lưới thắp sáng.
Ông Nguyễn Văn Long, Giám đốc Ban Quản lý dự án huyện Kỳ Sơn cho hay: Hiện tại, trong năm 2022 đã có 33 dự án thuộc hạng mục hạ tầng cơ sở thiết yếu đã triển khai xây dựng xong. Còn các dự án hạ tầng cơ sở năm 2023 đang được triển khai xây dựng.
Người dân là đối tượng hưởng lợi
Với những dự án thuộc hạng mục hạ tầng cơ sở được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng, thì người dân trong vùng chính là đối tượng được hưởng thụ đầu tiên. Theo đó, ngay từ những ngày đầu triển khai xây dựng các công trình, dự án, người dân vùng hưởng lợi đã phối hợp tốt cùng các đơn vị thi công để dự án sớm hoàn thành.
Trưởng Ban quản lý dự án huyện Quỳ Hợp Trương Văn Nam vui vẻ: Chúng tôi rất vui là quá trình khởi công, xây dựng các dự án hạ tầng cơ sở rất thuận lợi. Người dân vui vẻ hiến đất, giải tỏa tài sản tại các dự án, điển hình như đường giao thông Châu Đình - Thọ Hợp, đường Yên Hợp đi quốc lộ 48, đường Châu Lộc-Tam Hợp, dự án nước sinh hoạt ở bản Liên Hợp, xã Yên Hợp… khi dự án đi qua. Bởi người dân nhận thấy họ chính là đối tượng đầu tiên và lâu dài sẽ hưởng lợi từ các dự án này. Khi dự án hoàn thành, chắc chắn sẽ tạo ra bộ mặt mới cho bản làng.
Ở huyện Nghĩa Đàn, các dự án hạ tầng cơ sở hoàn thành đã đáp ứng niềm mong mỏi, kỳ vọng suốt nhiều năm qua của bà con các dân tộc Thổ, Thái nơi đây. Theo bà Trương Thị Vân Anh, Trưởng phòng Dân tộc huyện Nghĩa Đàn, đến nay đã hoàn thành 3 dự án, 12 dự án đang tiến hành xây dựng theo quy định.
Các dự án đã hoàn thành, đó là: dự án đầu tư xây dựng đường bê tông nông thôn xóm Ráng, xã Nghĩa Đức; đường bê tông nông thôn xóm Nung, xã Nghĩa Đức; xây dựng tường rào, sân, cải tạo nâng cấp Nhà văn hoá làng Bái xã Nghĩa Mai.
"Ngày hoàn thành, bà con phấn khởi lắm. Bởi có đường mới thì sẽ chấm dứt cảnh đường giao thông lầy lội, bụi bặm trước đây. Còn nhà văn hóa được nâng cấp đã tạo ra bộ mặt khang trang, sạch đẹp, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thôn xóm của bà con", bà Anh hồ hởi.
Chia sẻ thêm về ý nghĩa, mục tiêu và hiệu quả các Dự án Chương trình MTQG 1719, ông Dương Hoàng Vũ, Chủ tịch UBND huyện Quế Phong bộc bạch: Quế Phong là huyện nghèo, được thụ hưởng nhiều dự án hạ tầng cơ sở, đó là kỳ vọng lớn của huyện để bản làng đổi thay, đời sống người dân ngày một tốt hơn, đáp ứng tối đa nhu cầu nâng cao hơn mức sống cho Nhân dân ở vùng khó
"Tuy nhiên, hiện nay một số dự án hạ tầng cơ sở vẫn đang “chạy đua” với trình tự thủ tục để khởi công xây dựng. Là địa phương vùng hưởng lợi, chúng tôi mong muốn các sở ngành liên quan sớm đẩy nhanh tiến độ thẩm định, phê duyệt hồ sơ để các dự án sớm được triển khai thi công", Chủ tịch huyện Quế Phong mong muốn.