Tấp nập bán mua
Sau nhiều ngày “mục sở thị” tại khu vực hồ Đầm Đò vào cuối tháng 9/2021, nhóm phóng viên đã ghi nhận hàng loạt diện tích rừng bị chặt hạ, để thay thế bởi các khu nhà quy mô lớn mọc lên giữa khu vực đất rừng. Cảnh môi giới, mua bán đất rừng diễn ra tấp nập, công khai ngay cả khi Hà Nội đang thực hiện việc giãn cách xã hội do dịch bệnh Covid-19.
Trong vai nhà đầu tư đất tại khu vực Đầm Đò, chúng tôi đã được anh H. một cò đất người địa phương tận tình, tư vấn giới thiệu: “Đoàn anh có nhu cầu mua bao nhiêu cũng có, bên em vừa chốt thành công hợp đồng chuyển nhượng 5.000m², giá 44 tỷ đồng cho một đại gia trong nội thành. Những vị trí đẹp sát hồ bây giờ không còn nữa, nhưng nếu anh có tiền, muốn mua vẫn có thể đàm phán mua lại. Về thủ tục, các anh không phải lo, em có người nhà làm địa chính xã sẽ đứng ra lo hết”.
Qua các điểm môi giới đất khác nằm dọc ven đường dẫn vào hồ Đầm Đò, chúng tôi đều được các cò đất khẳng định, việc mua bán, chuyển quyền sử dụng đất, kể cả đất rừng ở đây đều thuận lợi, không gặp khó khăn, vướng mắc. Tuy nhiên, để đảm bảo giao dịch thành công, thì diện tích nhỏ nhất cũng phải trên 1000m², không bán với diện tích nhỏ hơn. Tùy vị trí, giá đất sẽ giao động từ 6-8 triệu đồng/m², những vị trí đẹp có thể lên đến 12-15 triệu/m².
Theo chia sẻ của các cò đất ở đây thì sau đợt dịch bệnh vừa qua, đất ở Sóc Sơn, nhất là khu vực có vị thế đẹp như hồ Đầm Đò đã lên giá mỗi ngày, nhất là khi thông tin huyện Sóc Sơn đang có lộ trình lên thành phố. Chính vì vậy, xung quanh khu vực hồ Đầm Đò nhiều khu biệt thự, sinh thái nhà vườn đang gấp rút hoàn thiện. Có những ngôi biệt thự nguy nga, tráng lệ như cung điện diện tích lên đến hàng nghìn m².
Như để minh chứng cho việc môi giới của mình có hiệu quả, đem lại lợi ích cho cả người bán, người mua, một cò đất tại khu Đồng Đò chia sẻ: Dù môi giới nhưng chúng em không lấy của các anh bất kỳ khoản chi phí nào. Từ sau đợt dịch, người có nhu cầu đổ về đây săn đất rất lớn, nếu không tranh thủ chỉ vài tháng nữa e rằng cả khu vực này cũng không còn mảnh nào giao dịch nữa. Lúc đó, các anh có muốn thì cũng chỉ là mua lại của các nhà đầu tư và giá sẽ không dừng lại như hiện tại.
Chỉ ra sai phạm… rồi để đấy
Sự việc lấn chiếm rừng, xây dựng nhà trái phép ở Sóc Sơn đã diễn ra từ nhiều năm trước và đã được các cơ quan chức năng của Trung ương và Hà Nội vào cuộc, tiến hành thanh kiểm tra, chỉ rõ vi phạm và đưa ra giải pháp xử lý.
Cụ thể, ngày 17/4/2006 Thanh tra Chính phủ cũng đã ban hành kết luận số 754/TTCP về những sai phạm liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) nằm trong quy hoạch đất rừng tại huyện Sóc Sơn. Tuy nhiên, đến nay, sau 15 năm, nhiều vi phạm đã được các cơ quan chức năng chỉ rõ vẫn chưa được UBND huyện Sóc Sơn khắc phục triệt để.
Trong 2 năm 2019-2020, UBND huyện Sóc Sơn cũng đã gửi hàng loạt thông báo tới Sở Tài nguyên và Môi trường, các phòng công chứng, văn phòng công chứng trên địa bàn TP. Hà Nội, Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội, Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội chi nhánh Sóc Sơn yêu cầu dừng, không thực hiện thủ tục giao dịch đối với 507 trường hợp liên quan đến cấp GCNQSDĐ nằm trong ranh giới quy hoạch đất rừng của huyện Sóc Sơn năm 2008.
Tuy nhiên, mặc cho các cơ quan chức năng đã vào cuộc và kết luật những sai phạm, thời gian gần đây, tình trạng lấn chiếm đất rừng, xây dựng các công công trình kiên cố, quy mô lại tái diễn, nghiêm trọng hơn.
Trước thực trạng này, UBND TP. Hà Nội đã liên tiếp chỉ đạo các cơ quan chức năng như: Thanh tra, các Sở ngành liên quan, đặc biệt là UBND huyện Sóc Sơn phải tăng cường công tác kiểm tra, quản lý diện tích đất rừng. Thanh tra TP. Hà Nội cũng đề nghị UBND huyện Sóc Sơn tiến hành rà soát, có phương án xử lý dứt điểm đối với các trường hợp đã cấp GCNQSDĐ nằm trong quy hoạch rừng và có báo cáo kết quả thực hiện trong tháng 3/2021.
Chưa biết kết quả thực hiện của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng đến đâu, nhưng trên thực tế, theo ghi nhận của nhóm phóng viên báo Dân tộc và Phát triển, việc xâm hại diện tích rừng tại Sóc Sơn, đặc biệt tại khu vực hồ Đầm Đò (xã Minh Trí) đang diễn ra một cách ngang nhiên, thách thức pháp luật. Không chỉ tùy tiện chuyển nhượng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, mà hàng loạt công trình quy mô lớn đã và đang mọc lên mà không hề thấy bất cứ động thái nào từ chính quyền sở tại và các cơ quan chức năng.
Vậy với những sai phạm nêu trên, trách nhiệm của người đứng đầu và cán bộ công chức được giao nhiệm vụ ở đâu, khi rừng Sóc Sơn - lá phổi xanh của Thủ đô đang kêu cứu?!
Để "rộng đường dư luận", nhóm phóng viên đã liên hệ với các sở, ngành của TP. Hà Nội, UBND huyện Sóc Sơn, UBND xã Minh Trí để nắm bắt thông tin về các biện pháp xử lý vấn nạn trên từ các cơ quan chức năng. Tuy nhiên cho đến nay đã hơn 1 tháng trôi qua, các cơ quan chức năng vẫn chưa có ý kiến phản hồi.
Báo Dân tộc và Phát triển sẽ tiếp tục tìm hiểu và thông tin tới bạn đọc.