Trao “chìa khóa” thoát nghèo
Được đi làm gần nhà, công việc không quá vất vả lại tranh thủ làm lúc nông nhàn, có mức lương ổn định, là điều bất kỳ lao động nữ nông thôn nào cũng mong muốn. Với nhiều lao động nữ DTTS đang sống ở các địa bàn khó khăn, mong muốn này đã thành hiện thực sau khi tham gia những lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn.
Năm 2019, chị Bạch Thị Như cùng 27 lao động nông thôn khác ở xã Hùng Sơn, huyện Kim Bôi (Hòa Bình) tham gia lớp may gia công do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện tổ chức. Sau 3 tháng học, chị Như cùng 27 học viên của lớp may, được nhận vào xưởng may của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Huy Chỉ, xã Hùng Sơn, trực tiếp may gia công cho một doanh nghiệp xuất khẩu ở Hà Nội.
Làm tại xưởng may đã hơn 3 năm, chị Như có thu nhập đều đặn, với mức lương từ 6 - 8 triệu đồng/tháng. Riêng tháng cao điểm Tết Nguyên đán, thu nhập của người lao động cao gấp 1,5 lần. “Công việc khá ổn định, thu nhập cũng cao hơn nhiều so với làm nông nghiệp, nhất là không phải xa nhà. Đi làm lao động trong các khu, cụm công nghiệp trong và ngoài tỉnh, thuận lợi lắm”, chị Như bộc bạch.
Chị Như là một trong hàng triệu phụ nữ DTTS đã được trao cơ hội thoát nghèo thông qua chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn từ nhiều năm qua. Báo cáo rà soát tình hình thực hiện Chiến lược quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2011 – 2020 do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) phối hợp với Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ tại Việt Nam (UN Women) thực hiện, công bố ngày 9/8/2021 đã cho thấy, những tín hiệu khả quan trong việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho phụ nữ.
Báo cáo này khẳng định, trong quá trình thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, việc triển khai các giải pháp nâng cao kỹ năng nghề cho nhóm phụ nữ yếu thế đã đạt nhiều kết quả tích cực. Trong 10 năm qua, các ngành, các địa phương đã đào tạo nghề và hỗ trợ việc làm cho khoảng 9,6 triệu lao động tại khu vực nông thôn, trong đó lao động nữ chiếm 59,4%.
Báo cáo rà soát tình hình thực hiện Chiến lược quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020, đặc biệt nhấn mạnh đến hiệu quả của Đề án “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2010 – 2015”. Chỉ trong 5 năm thực hiện Đề án, cả nước đã dạy nghề cho hơn 1 triệu lao động nữ (vượt 300% mục tiêu Đề án); tỷ lệ có việc làm đạt 81% (vượt 11% mục tiêu Đề án). Sau học nghề, 75,6% phụ nữ được hỗ trợ vốn tự tạo việc làm, 12,64% được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, 9,14% được doanh nghiệp tuyển dụng và 1,62% tham gia hợp tác xã, tổ hợp tác, liên kết…
Tăng cơ hội, nâng vị thế
Được đào tạo nghề, giải quyết việc làm đã tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ DTTS đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động. Điều này không chỉ giúp gia tăng cơ hội việc làm, thu nhập cho phụ nữ, mà còn góp phần quan trọng thúc đẩy các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là trong công tác giảm nghèo.
Theo bà Lò Thị Thu Thủy, Phó trưởng Ban Dân tộc tôn giáo (Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam), thời gian qua, các cấp Hội đã phối hợp với chính quyền các địa phương, tăng cường vai trò tham gia của phụ nữ tại cấp cơ sở trong phát triển kinh tế - xã hội; từng bước cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, xây dựng gia đình hạnh phúc. Cùng với công tác đào tạo nghề, phụ nữ nông thôn, nhất là phụ nữ DTTS đã được tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi để phát triển kinh tế gia đình, từ đó vươn lên trong cuộc sống, khẳng định vị thế của bản thân.
Kết quả đào tạo nghề cho lao động nữ ở nông thôn, lao động nữ DTTS thời gian qua, là rất đáng khích lệ. Tuy nhiên, để tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ DTTS đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động thì trước mắt vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Đặc biệt, một trong những vấn đề cần được chú trọng là công tác đào tạo nghề cho lao động nữ.
Theo đánh giá của UN Women, hiện tỷ lệ nữ DTTS đã qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật mới đạt 8,9%, thấp hơn nam giới DTTS và phụ nữ dân tộc Kinh. Đặc biệt, hiện vẫn còn nhiều rào cản đối với lao động nữ DTTS trong dịch chuyển việc làm ra khỏi nông-lâm nghiệp; và tiếp cận công việc làm công ăn lương tại các nhà máy, doanh nghiệp tại địa phương, các khu công nghiệp trong nước hoặc đi làm việc ở nước ngoài, đẩy phụ nữ DTTS tới lựa chọn tìm việc làm bất hợp pháp ngoài biên giới.
Một phân tích của bà Nguyễn Thị Bích Thúy, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu lao động nữ và Giới, Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐTB&XH) cho thấy, tỷ lệ nữ DTTS có việc làm trong lĩnh vực công nghiệp hiện chỉ là 6,23%, bằng 1/4 so với lao động nữ người Kinh và bằng 1/2 so với lao động nam DTTS. Ở khu vực dịch vụ, tỷ lệ nữ DTTS có việc làm chỉ bằng 1/3 so với tỷ lệ chung của nữ cả nước và 1/4 so với nữ người Kinh.
Từ những phân tích này, bà Thúy đề xuất thời gian tới, cần tăng cường cơ hội cho các nhóm phụ nữ DTTS yếu thế tiếp cận thụ hưởng các chính sách và dịch vụ hỗ trợ đào tạo nghề, cải thiện việc làm nhằm thu hẹp khoảng cách trong thị trường lao động.
Ngoài các chương trình, chính sách đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động DTTS hiện hành, thì giai đoạn tới, việc thực hiện có hiệu quả Dự án “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 sẽ tăng thêm cơ hội để nâng cao vị thế của phụ nữ DTTS.