Tỉnh Đắk Lắk hiện có 3 Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó huyện Cư M’gar đã có 2 di sản Ngữ văn dân gian được công nhận, gồm Sử Thi (kể khan) được công nhận năm 2014 và Lời nói vần của người Ê Đê được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2022.
Để thực hiện công tác bảo tồn và phát huy các di sản quốc gia, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 13/KH-UBND ngày 3/2/2022 về bảo vệ và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2023 - 2025. Trong năm 2023, Sở đã bố trí nguồn kinh phí để phối hợp với huyện Cư M’gar mở 1 lớp truyền dạy Sử thi.
Ngoài ra, Sở cũng bố trí nguồn kinh phí xã hội hóa từ nguồn tài trợ không hoàn lại của Trung tâm Hợp tác quốc tế tỉnh Jeollabuk, Hàn Quốc. Sở cũng bố trí để mở 1 lớp truyền dạy lời nói vần và trao tặng Chiêng (bộ chiêng Knah) cho buôn Huk B; trao tặng trang phục thổ cẩm truyền thống của người Ê Đê cho buôn Króa B và thực hiện sưu tầm và biên tập, phát hành sách lời nói vần để giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị di sản trong những năm tiếp theo.
Lớp học gồm 25 học viên tham gia, là các bạn trẻ yêu thích văn hóa dân gian trên địa bàn xã Cuôr Đăng. Lớp học sẽ diễn ra trong 2 tháng (từ 22/6 - 22/8). Trong thời gian diễn ra lớp học, các nghệ nhân sẽ truyền dạy những nội dung về ngữ văn dân gian, kỹ năng thực hiện diễn xướng, ca hát lời nói vần, giới thiệu những bài hát sử dụng lời nói vần trong sinh hoạt hàng ngày…
Phát biểu tại buổi khai mạc, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk Lại Đức Đại bày tỏ mong muốn các nghệ nhân cùng với Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương nêu cao ý thức, trách nhiệm và lòng nhiệt huyết để trao truyền những kinh nghiệm quý báu về lời nói vần cho học viên, góp phần bảo vệ Di sản của nhân loại trước nguy cơ bị thất truyền. Đồng thời, đề nghị học viên tham gia lớp học, chấp hành nghiêm túc chấp hành nội quy, quy định của Ban Tổ chức, tham gia đầy đủ nội dung, chương trình của khóa học, ra sức học tập, rèn luyện để lĩnh hội những kiến thức mà các nghệ nhân đã truyền dạy, xứng đáng trở thành những hạt nhân văn hóa tiêu biểu trong công tác bảo tồn và phát huy Di sản văn hóa của dân tộc tại địa phương.