Đăk Hà là huyện vùng cao của tỉnh Kom Tum với 51,11% dân số là đồng bào DTTS. Thời gian qua, chính quyền luôn tìm cách để nâng cao chất lượng đời sống của người dân trên địa bàn huyện, trong đó có việc vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Huyện Đăk Hà có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp với sản xuất nông nghiệp. Địa phương đã tận dụng lợi thế này để khai thác tiềm năng phát triển kinh tế nông nghiệp mang lại thu nhập cao cho người dân. Trước đây, bà con DTTS ở Đăk Hà chủ yếu dựa vào lúa nước. Được sự hướng dẫn của chính quyền địa phương, gần 14ha trồng lúa nước của bà con ở các xã Đăk Long, Đăk Ui, Đăk Pxi, Ngọk Réo đã được thay thế bằng hoa màu, cây lâu năm hoặc mô hình trồng lúa kết hợp chăn nuôi thủy sản.
Sau khi cung ứng đủ nước sinh hoạt, sản xuất cho người dân trong huyện, địa phương đã hướng dẫn bà con chuyển đổi những vùng trồng lúa nước không đảm bảo sang các loại hoa màu như khoai, đậu, lạc, rau màu xen canh với một vụ lúa. Các loại hoa màu, các loại cây trồng ngắn ngày đã đem đến cho bà con thu nhập cao gấp 3-4 lần so với trồng lúa nước trước đây.
Không chỉ giúp người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao, diện tích trồng cà phê già cỗi kém năng suất theo phương thức canh tác lạc hậu trước kia cũng được chuyển đổi cách trồng mới đem lại năng suất, chất lượng cao.
Chính quyền địa phương đã tìm hiểu và thấy cây mắc ca là loại cây lâm nghiệp đa chức năng, phù hợp có khả năng chịu hạn tốt, hơn nữa có thể trồng xen canh với các loại cây khác. Được sự hướng dẫn của địa phương, ông Cao Kim Đô, xã Hà Mòn đã trồng mắc ca đan xen với vườn cà phê già cỗi. Sau khi được hướng dẫn cách chăm bón, trung bình mỗi cây mắc ca có thể đem đến lợi nhuận 1 triệu đồng cho người dân. Hơn nữa từ năm thứ 4 trở đi, cây mắc ca có thể giúp giảm 30% lượng nước tưới và tăng 20% năng suất. Từ những mô hình trồng mắc ca đan xen cà phê hiệu quả, nhiều gia đình đã có suy nghĩ khác về loại cây này và mạnh dạn đầu tư chuyển đổi cây trồng.
Hay như vườn cà phê già cỗi của gia đình bà Trần Thị Đềm, xã Đắk Mar, nhiều năm liền đem đến hiệu quả kém nay đã được gia đình tái canh theo tư vấn của chính quyền địa phương. Sau khi lựa chọn được giống chất lượng cao, ít sâu bệnh, gia đình bà Điềm sử dụng phân hữu cơ và cách chăm sóc mới, kết quả là mỗi cây cà phê đã cho thu hoạch 16kg quả tươi, cao hơn rất nhiều so với trước đây. Thời gian tới, khi cây cà phê lớn hơn chắc chắn sẽ còn tăng năng suất, đời sống của gia đình cũng sẽ được cải thiện hơn.
Để nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê tại Đăk Hà nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường quốc tế, địa phương đã chú trọng vận động các doanh nghiệp, HTX và các hộ dân đầu tư hệ thống thiết bị, ứng dụng công nghệ cao vào các khâu sản xuất, chế biến. Hiện tại, toàn huyện có 12 cơ sở chế biến cà phê thành phẩm được người tiêu dùng trong và ngoài nước lựa chọn, tin dùng.
Xã Đắk Pxi là xã xa xôi nhất của huyện Đắk Hà, tại đây có trên 95% hộ dân là đồng bào DTTS. Trước đây hầu hết bà con DTTS tại xã Đắk Pxiđều làm nương rẫy, mặc dù diện tích rẫy lớn nhưng vì tập quán canh tác lạc hậu nên đất canh tác bị bạc màu, hiệu quả kinh tế không cao. Được sự quan tâm của chính quyền địa phương hỗ trợ phương thức sinh kế, nhiều gia đình đã thay đổi mô hình trồng cây ăn trái kết hợp nuôi gia súc. Nhiều gia đình đã làm chuồng trại để nuôi heo sọc dưa, bò sinh sản, dê…
Giống heo sọc dưa có đặc điểm dễ nuôi lại không kén thức ăn nên tận dụng được nguồn thức ăn có sẵn như cây cỏ, các loại rau củ. Đây lại là giống heo được thị trường yêu thích. Thực hiện chủ trương của xã, gia đình chị Y Veng được hỗ trợ để nuôi một cặp heo sọc dưa. Nhờ được hướng dẫn cách chăm sóc, cặp heo đã sinh sản tốt, gia đình chị Y Veng đã bán được 4 cặp heo con. Bình quân mỗi cặp heo (khoảng 10 kg/con) có giá 3 triệu đồng. Không chỉ có gia đình chị Y Veng, nhiều hộ dân khác trong xã Đăk Pxi cũng đã có thêm thu nhập ổn định nhờ nuôi heo sọc dưa.
Cũng nhờ được chính quyền địa phương tổ chức dạy nghề trồng trọt, trên 125 hộ đồng bào DTTS ở làng Linh La, xã Đăk Pxi đã biết trồng cà phê, canh tác hiệu quả, sản phẩm nông nghiệp có đầu ra ổn định. Việc thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi không chỉ giúp cải thiện đời sống của bà con DTTS ở địa phương mà bà con không còn tình trạng trông chờ ỷ lại vào Nhà nước như trước kia. Rất nhiều hộ dân đã có ý thức vươn lên thoát nghèo, chủ động học hỏi kinh nghiệm để phát triển kinh tế gia đình.