Pa Vệ Sủ là xã ĐBKK nằm cách trung tâm huyện Mường Tè hơn 20 km. Đây là xã biên giới với 12 bản, 3 cụm dân cư và 9 dân tộc cùng sinh sống; trong đó, có 2 dân tộc sinh sống lâu đời là La Hủ và Mảng (đây là 2 dân tộc rất ít người; trong đó dân tộc La Hủ chiếm trên 90% dân số của xã).
Thời gian qua, với sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, xã đã có những chuyển biến tích cực. Phó Chủ tịch UBND xã Pa Vệ Sủ Giàng Ha Cà cho biết: Được sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương thông qua các chương trình mục tiêu Quốc gia; trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719), xã đã rà soát những hộ gia đình nằm trong diện được thụ hưởng để hỗ trợ về vốn, cây con giống và vật tư nông nghiệp.
Trong đó, xã xác định chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng và phát triển chăn nuôi là mũi nhọn về kinh tế để nâng cao năng suất, sản lượng. Đến nay, chăn nuôi gia súc toàn xã đạt khoảng 1.800 con, gần 2.300 con gia cầm và nhiều mô hình kinh tế đem lại hiệu quả. Sản lượng lương thực có hạt của xã đạt trên 1.600 tấn, tốc độ tăng trưởng đàn gia súc đạt trên 6%; thu nhập bình quân đầu người đạt 23 triệu đồng/người/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 88,5% (năm 2021) xuống còn 81,6% theo tiêu chí mới; tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia đạt 86%... Qua đó, giúp Nhân dân cải thiện cuộc sống, từng bước vươn lên thoát nghèo.
“Đặc biệt, với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp để trồng cây dược liệu, xã đã chỉ đạo các bản tập trung rà soát diện tích để mở rộng trồng cây dược liệu có giá trị kinh tế cao gắn với việc chăm sóc, bảo vệ rừng; trong đó thế mạnh là phát triển cây sâm Lai Châu. Xã thường xuyên cử cán bộ xuống cơ sở để bám, nắm địa bàn, kịp thời giải quyết khúc mắc trong dân; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân chung sức xây dựng nông thôn mới…”, ông Cà cho biết thêm.
Những năm trước đây, đình bà Ly Mỳ Hừ, dân tộc La Hủ ở bản Seo Thèn thuộc diện hộ nghèo của xã Pa Vệ Sủ. Khi được nhà nước hỗ trợ về giống cây trồng, vật nuôi, bà Hừ đã trồng 2 sào ruộng, nuôi 4 con lợn và tham gia chăm sóc bảo vệ rừng. Đến nay, kinh tế gia đình bà đã khá hơn rất nhiều, mỗi năm thu nhập khoảng 30 - 40 triệu đồng và đã thoát nghèo.
“Nhà nước hỗ trợ cho cây con giống, gia đình tập trung chăn nuôi, trồng chọt để có thu nhập. Cùng với đó, nhận chăm sóc bảo vệ rừng mỗi năm Nhà nước cũng trả tiền… Nhờ đó, gia đình hiện nay đã ổn định hơn nhiều”, bà Hừ chia sẻ.
Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Tè cho biết: Năm 2023, huyện Mường Tè được giao kế hoạch vốn 241,5 tỷ đồng; trong đó, Chương trình MTQG 1719, là 157,9 tỷ đồng. Đây là chương trình lớn của quốc gia, được kỳ vọng là động lực quan trọng để địa phương vừa khai thác, phát huy những tiềm năng, lợi thế, vừa góp phần giải quyết các vấn đề trước mắt và lâu dài đối với mục tiêu phát triển bền vững vùng dân tộc thiểu số, biên giới.
Từ thực tế cho thấy, nhờ chủ trương của Đảng, các chương trình, chính sách đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, bộ mặt nông thôn vùng đồng bào DTTS, biên giới của huyện có chuyển biến tích cực. Hết năm 2022, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 27,5 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm 6,4%/năm…
Tương tự, huyện Nậm Nhùn có 11 dân tộc cùng sinh sống với trên 6.200 hộ dân; trong đó, đồng bào DTTS chiếm trên 95%. Đặc biệt, trên địa bàn huyện có 4 dân tộc rất ít người sinh sống là Cống, Mảng, La Hủ, Si La. Đến thời điểm này, kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS trong huyện có sự chuyển biến rõ nét, góp phần giảm dần khoảng cách phát triển giữa các vùng, các dân tộc trong huyện và trong tỉnh.
Ông Vũ Tiến Hoá, Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Nhùn cho biết: Những năm qua, đời sống vật chất tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong huyện đã có nhiều thay đổi tích cực. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 33 triệu đồng/người/năm; tất cả các thôn, bản đều có đường xe máy, trên 70% số bản có đường ô tô, trên 92,5% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia, trên 98% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp về sinh, 100% dân số đô thị được sử dụng nước sạch. Có được những kết quả trên là sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và của tỉnh Lai Châu thông qua các chương trình, chính sách hỗ trợ phù hợp và hiệu quả…
“Cùng với việc quan tâm phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho người dân, chúng tôi còn dành nguồn lực ưu tiên cho phát triển giáo dục. Đây là yếu tố quyết định đến sự phát triển toàn diện của địa phương. 5 năm qua, Nậm Nhùn đã thực hiện tốt đề án đưa học sinh Trung học cơ sở người Mảng về học tập trung tại huyện để tạo nguồn cán bộ cho đồng bào dân tộc Mảng. Đến nay, có 100 học sinh người dân tộc Mảng về học tại trường trung tâm huyện”, ông Hóa nhấn mạnh.
Với sự quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, kinh tế vùng đồng bào DTTS Lai Châu đã và đang đổi thay từng ngày. Thời gian tới, cùng với các chính sách của trung ương, Lai Châu tiếp tục có những chính sách đặc thù riêng về phát triển kinh tế - xã hội đối với các huyện nghèo, huyện có đông đồng bào DTTS sinh sống… Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vùng sâu, vùng xa, vùng ĐBKK trong tỉnh nhanh và bền vững.