Chấm dứt hợp đồng lao động 4 năm không trả sổ BHXH
Thời gian vừa qua, Tòa soạn Báo Dân tộc và Phát triển nhận được Đơn kiến nghị của ông Phạm Đức Thêm, SN 1980, ở thôn 2, xã Khánh Tiên, huyện Yên Khánh (Ninh Bình) phản ánh về việc: Ngày 1/1/2017, ông Thêm nhận được Quyết định chấm dứt hợp đồng lao động của Giám đốc Công ty Coma1 (Tổng công ty Cơ khí xây dựng Coma). Nhưng đến nay đã hơn 4 năm công ty vẫn chưa chốt và trả sổ BHXH cho ông, mặc dù ông Thêm đã nhiều lần gửi Đơn kiến nghị lên Tổng công ty Cơ khí xây dựng Coma và các cơ quan chức năng.
Theo ông Thêm, trong công ty còn có rất nhiều công nhân có hoàn cảnh giống ông. Điều này khiến người lao động rất bức xúc vì họ không có sổ BHXH để đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp cũng như các chế độ khác của BHXH làm ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người lao động.
Đặc biệt có nhiều người sau thời gian dài kiến nghị vẫn không được phía Tổng Công ty cơ khí xây dựng Coma trả sổ BHXH, nhưng vì rất cần tiếp nối quá trình đóng BHXH khi chuyển công tác mới họ đành phải bỏ tiền túi hàng chục triệu đồng ra để nhờ chính phía Công ty Coma 1, Tổng công ty Cơ khí xây dựng Coma chốt và trả sổ BHXH cho họ. Một sự thật phi lý, trong khi đó lẽ ra đây là quyền lợi của người lao động được hưởng (?!)
Để xác minh thông tin, ngày 26/6/2020 Phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển đã đến đặt lịch và làm việc với Tổng công ty Cơ khí xây dựng Coma.
Ông Dương Bá Đường - Chánh văn phòng Tổng công ty Cơ khí xây dựng Coma cho chúng tôi số điện thoại của ông Tô Ngọc Sơn, Giám đốc Công ty Coma1- Chi nhánh Tổng công ty Cơ khí xây dựng Coma. Sau nhiều lần liên lạc với ông Sơn không được, ngày 4/9/2020 chúng tôi đến trụ sở của Công ty Coma1 (tại Km số 2 - Đường Xuân Phương - Từ Liêm - Hà Nội). Chúng tôi thật bất ngờ bởi trong giờ làm việc nhưng tất cả các phòng làm việc đều để không, bụi bám dày, bàn ghế bừa bộn chứng tỏ một điều đã rất lâu rồi không có người làm việc ở khu này.
“Đá quả bóng trách nhiệm”!
Ngày 9/9/2020, phóng viên có buổi làm việc với ông Dương Bá Đường, Chánh văn phòng Tổng công ty Cơ khí xây dựng Coma. Ông Đường cho biết: Ở dưới Công ty Coma1 vẫn còn anh Tô Ngọc Sơn, Giám đốc công ty ở đó.
"Thực tế anh Sơn mới tiếp quản công ty hơn một năm nay. Vấn đề BHXH liên quan đến quá trình dài từ đời các Giám đốc các thời kỳ trước. Cụ thể như thế nào thì ở dưới mới nắm được. Trên Tổng công ty không trực tiếp quản lý cán bộ, công nhân viên mà chỉ quản lý đầu mối là Giám đốc. Việc liên quan trực tiếp tới người lao động thì trách nhiệm ở dưới công ty phải làm việc với bên bảo hiểm. Trên tổng không thể làm điều đó được…”, ông Đường cho biết.
Mặc dù đã hẹn nhưng không gặp bởi lý do bận, ngày 10/9/2020, trả lời phóng viên qua điện thoại, ông Tô Ngọc Sơn, Giám đốc Công ty Coma1 cho biết: “Hiện tại công ty đã phá sản, đóng cửa. Để chức danh Giám đốc cho tôi cho oai thôi. Đã 2 tháng nay tôi không có lương. Trên tổng công ty Cơ khí xây dựng Coma sai tôi đi đòi nợ, đòi được nợ thì trả lương, không đòi được thì nhịn. Về trách nhiệm chốt và trả sổ BHXH cho người lao động trong có ông Phạm Đức Thêm là trách nhiệm của Tổng công ty Cơ khí xây dựng Coma”.
“Bản thân tôi là Giám đốc mà cũng không chốt được sổ bảo hiểm cho tôi. Nếu chốt được tôi cũng chuyển đi rồi. Tôi khác gì ông Thêm đâu!” ông Tô Ngọc Sơn, Giám đốc Coma1 cho biết thêm.
Như vậy, câu hỏi đặt ra là trách nhiệm chốt và trả sổ BHXH cho người lao động thuộc về đơn vị nào khi Tổng công ty Cơ khí xây dựng Coma và Công ty cơ khí Coma1, “đá quả bóng trách nhiệm” cho nhau?
Và hiện tại, Công ty cơ khí Coma1 còn hoạt động hay đã phá sản theo lời ông Giám đốc Tô Ngọc sơn nói?
Theo quan sát của phóng viên. Hiện tại khu nhà xưởng của Công ty cơ khí Coma1 có rất nhiều công ty đang thuê và hoạt động tấp nập. Vậy, Tổng công ty Cơ khí xây dựng Coma có được phép cho các công ty khác thuê địa điểm không, tiền thuê nộp vào ngân sách như thế nào? Và trách nhiệm của Tổng công ty Cơ khí xây dựng Coma trước đơn kiến nghị của công nhân khi đã chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng 4 năm nay vẫn chưa chốt và trả sổ BHXH cho người lao động ra sao?
Báo Dân tộc và Phát triển xin chuyển những câu hỏi trên đến ông Giám đốc Tổng công ty Cơ khí xây dựng Coma, đến Thanh tra Bộ xây dựng và các cơ quan liên quan nhằm trả lại quyền lợi hợp pháp cho người lao động.
Báo Dân tộc và Phát triển sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.
Theo quy định tại Khoản 2, 3 Điều 47 Bộ luật lao động thì:
"2. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.
3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động".