Trong số Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia mới được bổ sung, có các lễ hội truyền thống như: Lễ hội Giã cốm của người Tày, huyện Chiêm Hóa, Tuyên Quang), Lễ hội Bơi chải làng Tiếu Mai (xã Mai Đình, huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang), Lễ hội Đền Tiên La (xã Đức Giang, huyện Yên Dũng, Bắc Giang), Lễ hội Gầu tào của người Mông (các huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Chấn tỉnh Yên Bái).
Ở loại hình nghề thủ công truyền thống, có nghề làm nhang (tỉnh Tây Ninh), nghề làm chiếu Cà Hom của người Khmer (xã Hàm Tân, huyện Trà Cú, Trà Vinh), nghề làm gốm ở Sa Huỳnh (xã Phổ Khánh, thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi), nghề dệt thổ cẩm của người Mường (các xã Kim Thượng, Xuân Đài, huyện Tân Sơn, Phú Thọ), nghề ướp trà sen Quảng An (phường Quảng An, quận Tây Hồ, TP. Hà Nội).
Ở loại hình Tri thức dân gian, có Phở Hà Nội, Phở Nam Định, Mỳ Quảng (Quảng Nam), Tri thức may, mặc áo dài Huế (Tp. Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế), Nghệ thuật trang trí cây nêu của người Co (huyện Trà Bồng, Quảng Ngãi).
Ở loại hình Tập quán xã hội và tín ngưỡng, có Lễ Xên đông (Cúng rừng) của người Thái (thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái) và Nghi lễ Tết Xíp xí của người Thái trắng (huyện Quỳnh Nhai, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La).
Ở loại hình Nghệ thuật trình diễn dân gian, có Ru ún (hát ru) của người Mường (huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa).
Trong số 17 Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia mới này, đáng chú ý nhất là văn hóa tín ngưỡng vùng DTTS Nghi lễ Tết Xíp xí của người Thái trắng (tỉnh Sơn La); Lễ hội Gầu tào của người Mông (Yên Bái); Lễ hội truyền thống Giã cốm của người Tày (Tuyên Quang). Đây không chỉ là cơ hội bảo tồn di sản, phát huy giá trị của di sản vùng đồng bào DTTS mà còn là dịp để quảng bá văn hóa đặc sắc của địa phương, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực miền núi.