Tìm đầu ra cho cây chuối
Đã từ bao đời nay, đồng bào dân tộc Dao ở thôn Nà Ít, một trong những thôn đặc biệt khó khăn của xã Vi Hương, huyện Bạch Thông (Bắc Kạn) gắn bó với cây chuối như một loại nông sản chủ lực. Dễ trồng, dễ chăm sóc, nhưng cây chuối khó có thể giúp người dân địa phương thoát nghèo.
Năm 2015, tại xã vùng sâu, vùng xa này, có một cô gái, vì trăn trở với suy nghĩ giúp gia đình, bà con không còn phải lo ăn, lo mặc mỗi ngày... mà quyết định bỏ dở ước mơ nghề giáo, trở về khởi nghiệp trên mảnh đất quê hương ngay sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên. Chị là Lý Thị Quyên, hiện là Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) chế biến nông sản Thiên An (gọi tắt là HTX Thiên An), một hợp tác xã với tên gọi có ý nghĩa mong chờ sự bình an cho thôn, bản.
Những ngày đầu khởi nghiệp, cô gái trẻ người Dao tập trung phát triển sản phẩm chuối sấy giòn, nhằm tìm đầu ra cho cây trồng chính ở địa phương. Sau hàng chục mẻ chuối sấy bị hỏng, chị Quyên “khăn gói” lên Thủ đô Hà Nội học kỹ thuật sản xuất, chế biến tại Viện Công nghệ sau thu hoạch. Với sự giúp đỡ của các chuyên gia, cộng thêm tính ham học hỏi sẵn có, cuối cùng nữ Chủ nhiệm HTX trẻ cũng gặt hái thành công với mô hình chuối sấy.
Chị Lý Thị Quyên nhớ lại những mẻ chuối ban đầu bị hỏng, có mẻ bị đen xỉn, có mẻ thì cứng quá, có mẻ thì lại dính kết vào nhau. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, điều chỉnh nhiệt độ và thời gian sấy dần dần, phải mất khoảng 3 tháng, Quyên mới có được sản phẩm chuối sấy bảo đảm chất lượng để sau này tham gia trưng bày tại hội chợ.
Hiện nay, sản phẩm chuối sấy của HTX đã có đầy đủ các điều kiện về mẫu mã, bao bì, tem truy xuất nguồn gốc. Cơ sở sản xuất của HTX được cấp chứng nhận đủ điệu kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.
Để mở rộng thị trường, ổn định đầu ra cho sản phẩm, HTX thường xuyên tham gia nhiều hội chợ thương mại, hội chợ kết nối và các chương trình khởi nghiệp trên toàn quốc. Hiện, sản phẩm chuối sấy được phân phối chủ yếu tại thị trường bán lẻ trong và ngoài tỉnh như: Khu du lịch Hồ Ba Bể, Nam Định, Hà Nội, Quảng Ninh, TP. Hồ Chí Minh, Sa Pa... và có mặt ở nhiều sân bay, các trạm dừng nghỉ trên đường quốc lộ. Chỉ tính riêng trong năm 2017, tổng doanh thu của HTX đạt hơn 1 tỷ đồng. Năm 2018, sản phẩm chuối sấy của HTX Thiên An được xếp hạng đạt 3 sao OCOP cấp tỉnh, là động lực giúp cho sản phẩm chuối sấy của HTX tiếp tục vươn xa.
Dù còn nhiều khó khăn nhưng HTX Thiên An đã mạnh dạn vay vốn đầu tư trang thiết bị, ứng dụng khoa học công nghệ để sản xuất. Sản phẩm chuối sấy khô của HTX ra đời với chất lượng “3 không” (không chất bảo quản, không đường hóa học, không phụ gia) từng bước tạo được lòng tin của khách hàng. Hiện nay, chuối sấy khô đang là một sản phẩm chủ lực của HTX Thiên An.
Có thu nhập, chị bắt tay vào cải tiến bao bì, thêm mã vạch, chú thích về nguồn gốc, thành phần sản phẩm, đồng thời mở rộng thêm nhiều loại mặt hàng như khoai lang, khoai tây sấy, bim bim rau củ cho trẻ em, măng, mật ong rừng...
Bảo vệ văn hóa người Dao
Sau một vài năm triển khai mô hình chuối sấy, chị Lý Thị Quyên nhận thấy HTX Thiên An cần một làn gió mới, khi những sản phẩm đã bắt đầu có dấu hiệu chững lại trên thị trường. Chị nảy ra ý tưởng về một sản phẩm mang đậm bản sắc dân tộc Dao: Một chiếc gối với hoa văn đặc trưng, bắt mắt, chứa những bài thuốc, thảo dược cổ truyền với tác dụng xua tan mệt mỏi, cải thiện giấc ngủ.
“Gối làm bằng vải thô nhuộm chàm, với các họa tiết thổ cẩm được thêu tay, bên trong lót thảo dược gia truyền của người Dao. Ngay lần đầu thử nghiệm sản xuất, gần 200 chiếc gối đã được mua hết nhanh chóng, khiến các xã viên HTX rất phấn khởi. Tôi mạnh dạn tập hợp thêm nhiều phụ nữ giỏi thêu thùa ở địa phương, thiết kế thêm mẫu mã, cho ra đời thêm nhiều đầu sản phẩm khác như gối ôm, gối tựa, gối chống mỏi cổ... và được khách hàng đánh giá cao”, chị Quyên chia sẻ.
Sau 3 tháng, HTX bán ra khoảng 600 sản phẩm gối, giá bình quân mỗi chiếc gối dao động từ 120.000-600.000 đồng/chiếc, tùy từng kiểu.
Những chiếc gối thảo dược rất tiện dụng khi hoàn toàn có thể tháo ra giặt, phơi. Đặc biệt, túi thảo dược có trong lõi gối đã qua xử lý chống ẩm mốc, chỉ cần phơi qua là tái sử dụng. Đến nay, sản phẩm gối của HTX chủ yếu bán tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội. HTX tiếp tục duy trì việc sản xuất và tìm kiếm khách hàng, nghiên cứu đa dạng mẫu mã phù hợp với nhu cầu thị trường.
Chị Lý Thị Quyên cho biết, sẽ đầu tư mở rộng thêm vùng nguyên dược liệu phục vụ sản xuất từ 5ha lên khoảng 10ha trong thời gian tới, nhằm đa dạng hóa các loại hình sản phẩm, giúp HTX phát triển bền vững hơn, góp phần khôi phục, gìn giữ, phát huy nét đẹp văn hóa của dân tộc Dao.
Được biết, vừa qua, sản phẩm sáng tạo của chị Lý Thị Quyên lần lượt giành giải cao tại cuộc thi “Sáng tạo khởi nghiệp” tỉnh Thái Nguyên, lọt vào tốp tiềm năng rồi tiến thẳng vào chung kết cuộc thi “Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn” năm 2020 do T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức.
Năm 2019, HTX mở rộng sản xuất thêm các sản phẩm: Thảo dược tắm người Dao cho trẻ em, người lớn, phụ nữ sau sinh, với nguồn nguyên liệu chính là các loại thảo dược hái từ núi rừng theo kinh nghiệm gia truyền của người Dao, được sấy khô và trộn theo tỷ lệ nhất định; sản phẩm chẳm chéo Thiên An tận dụng những nguyên liệu có sẵn tại địa phương như mắc khén, ớt, tỏi, quả mác mật và các loại rau thơm…
Chị Lý Thị Quyên, Giám đốc HTX Thiên An, cho biết: “Hiện nay HTX Thiên An mới chỉ đạt được những thành công bước đầu. Trong thời gian tới, HTX sẽ nỗ lực mở rộng đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất để tăng chất lượng, số lượng của các sản phẩm. Mục tiêu của HTX là luôn hướng tới sự uy tín, chất lượng của sản phẩm và sự hài lòng của khách hàng để luôn nhận được sự ủng hộ của khách hàng”.
“Hiện nay, HTX đang chờ tỉnh thẩm định để xuất công nhận đạt chuẩn GMP (thực hành sản xuất tốt), đây là cơ sở quan trọng nhằm giúp cho các sản phẩm mà HTX làm ra đạt chuẩn về chất lượng, an toàn và hiệu quả”, chị Lý Thị Quyên chia sẻ thêm.
Với sự nỗ lực trong hoạt động kinh doanh, đến nay HTX Thiên An đã tạo việc làm cho 15 thành viên với mức thu nhập từ 3 - 4 triệu đồng/tháng. Trong kế hoạch phát triển, HTX Thiên An tập trung xây dựng 10ha vùng nguyên liệu; hiện nay đã được nguồn vốn chuỗi giá trị của huyện Bạch Thông hỗ trợ trồng khoảng 5ha cây dược liệu tại các thôn Cốc Thốc, Thủy Điện, Địa Cát..., đây sẽ là vùng nguyên liệu ổn định giúp HTX phát triển bền vững, lâu dài.
(Bài viết thuộc chuyên đề Khuyến nông với đồng bào DTTS)