Tinh hoa núi rừng
Trong căn nhà sàn nhỏ, bà Triệu Thị Lưu, thôn Bản Nầy, xã Năng Khả (huyện Na Hang) lần dở câu chuyện về nghề lang. Vùng này có nhiều ông lang, bà mế nhưng ít người bám trụ lâu dài với nghề thuốc và gia đình bà Lưu thuộc số ít đó. Bà Lưu sinh ra trong một gia đình nghèo, đông con, cả cha và mẹ đều là người dân tộc Dao. Gia đình bà từng trải qua 3 đời làm thuốc gia truyền chữa bệnh cho dân bản. Vì vậy, ngay từ nhỏ, bà đã sớm theo cha mẹ lên núi hái thuốc.
Hơn 20 năm làm nghề bốc thuốc, trị bệnh ở Bản Nầy, những bài thuốc của bà Lưu được lan truyền từ người này qua người khác, đến nay khắp nơi trong tỉnh và cả tỉnh bạn biết đến và tìm tới bà để chữa bệnh. Bà có những bài thuốc hay như: Ngâm tắm, xoa bóp để phục hồi sức khỏe cho người mới ốm dậy, hay phụ nữ sau sinh cho tới những cây thuốc, vị thuốc quan trọng như cây gió chuyên chữa trị đau xương khớp, cảm mạo, ngộ độc…
Bà Lưu cho biết, nếu như trước đây, một vài tuần, có khi cả tháng mới có dăm ba người tìm tới để lấy thuốc trị bệnh, thì bây giờ cứ đều đặn hằng tháng bà Lưu bán từ 40 - 50 thang thuốc cho khách, với thu nhập lên tới 4 - 5 triệu đồng/tháng; góp phần đem lại nguồn thu ổn định cho gia đình.
Chia tay với mế Lưu, chúng tôi tới nhà bà Triệu Thị Tâm, thôn Tân Hoa, xã Bình An (huyện Lâm Bình). Bà Tâm là một bà mế khá nổi tiếng ở huyện, với những bài thuốc gia truyền đặc hiệu trị đau mỏi, thoái hóa xương khớp, sỏi thận, rắn cắn, dạ dày, gan mật.
Ông Nguyễn Quang Thắng, huyện Đại Từ (Thái Nguyên) là một bệnh nhân được mế Tâm chữa trị chia sẻ, ông đã từng quá mệt mỏi bởi hành trình đi chữa bệnh của mình trong nhiều năm vì căn bệnh thoái hóa khớp hành hạ. Đôi chân đau buốt, đi phải có người dìu, thế nhưng, chỉ sau 2 tháng uống thuốc của mế Tâm, đến nay ông đã tự mình đi lại được và có thể giúp các con quét nhà, nấu cơm… Hiện ông vẫn đang duy trì uống thêm thuốc để ổn định hẳn.
Mỗi ông lang, bà mế nơi đây có những bài thuốc khác nhau, nhưng tất cả các bài thuốc đều là sự kết hợp từ các thành phần lấy từ cây cỏ tự nhiên đã đem lại niềm vui cho rất nhiều người khi khỏi bệnh…
Phát huy tinh hoa
Bác sĩ Trần Mai Hương, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Đông y tỉnh Tuyên Quang tự hào cho biết: Hội Đông y tỉnh Tuyên Quang hiện có 2.064 hội viên hoạt động tại 133 chi hội đông y xã, phường, thị trấn. Đến nay, hội đã tập hợp được gần 300 bài thuốc hay, cây thuốc quý của hội viên, các ông lang, bà mế có giá trị chữa bệnh. Mỗi năm, các cấp hội đã khám, điều trị cho trên 500 nghìn lượt người, thực hiện được trên 300 nghìn thủ thuật và sử dụng gần 400 nghìn thang thuốc. Từ đó, góp phần hiệu quả trong công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Các ông lang, bà mế chủ yếu học nghề cha truyền con nối, với kinh nghiệm chữa bệnh và dùng thuốc dân gian với cây cỏ sẵn có trong thiên nhiên. Qua khảo sát của Hội Đông y tỉnh, tại các khu rừng ở các huyện Lâm Bình, Na Hang, Sơn Dương, Chiêm Hoá là những khu vực còn tương đối nhiều loại cây, con làm thuốc như: Cây hoàng đàn, huyết giác (mía vượn), thiên thanh quỳ, dây đau xương, cây lá khôi, mộc tặc, ma hoàng, trạch tả, thủy xương bồ, hoàng tinh ngọc trúc, long nha thảo, kim ngân, đỗ trọng Nam, thổ phục linh, kê huyết đằng, nhân trần... Đây chính là nguồn nguyên liệu vô cùng quý cho việc bào chế ra những bài thuốc nam hiệu nghiệm của dân tộc.
Tuy nhiên, nghề bốc thuốc của các ông lang, bà mế bây giờ muốn duy trì và phát triển được không chỉ dừng lại ở việc truyền lại các bài thuốc, cách sử dụng các dược liệu, mà còn bắt đầu từ công việc tìm kiếm cây thuốc. Bởi, hiện nay, việc thiếu nguồn dược liệu khiến những người tâm huyết với nghề không khỏi suy nghĩ. Để cải thiện tình trạng này, các ông lang, bà mế trên địa bàn huyện đã đưa những cây thuốc quý hiếm về trồng trong vườn nhà để tìm cách nhân giống.
Đưa chúng tôi ra khu vườn được trồng rất nhiều loại cây thuốc khác nhau như: Kim xương, đơn buốt, gối hạt, trần bì, cúc tần... Mế Triệu Thị Tâm chia sẻ, cây thuốc chữa bệnh của người Dao rất nhiều loại, nhưng tựu chung có 2 loại chính, gồm bồi bổ sức khỏe và trị bệnh. Nhiều loại cây quý hiếm đã được bà và các con nhân giống và trồng.
Trong không khí rộn ràng của một mùa Xuân đang tràn về, hình ảnh các ông lang, bà mế lên rừng lấy từng loại thảo dược, rồi đem về cẩn thận băm, phơi… kết hợp thành những thang thuốc quý, mới thấy được sự tâm huyết, kiên trì của họ. Những bài thuốc chữa bệnh bằng y dược cổ truyền đã góp phần cùng với ngành Y tế thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân trên địa bàn.