Lớp xóa mù giữa đại ngànBuổi tối giữa đại ngàn hiu vắng, tiếng ê a đọc chữ của các chị, các mẹ lọt qua khung cửa sổ phá tan không gian yên tĩnh của núi rừng. Thầy Hoàng Văn Thọ (Trung úy chuyên nghiệp, Đồn Biên phòng Ia Rvê) cầm tay, nắn nót từng nét chữ cho bà Lữ Thị Sáng (58 tuổi), học viên lớn tuổi nhất của lớp xóa mù chữ do cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng mở dạy.
Thầy Thọ kể: Năm 2011 khi về nhận nhiệm vụ, qua khảo sát, anh nhận thấy ở đây tình trạng mù chữ còn cao, gây khó khăn cho công tác quản lý nên đã mạnh dạn báo cáo, tham mưu với chỉ huy đơn vị, cấp ủy và chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch mở lớp xóa mù chữ. Được các cấp đồng thuận, các anh đã mở được 2 lớp xóa mù (từ năm 2012-2015) thu hút 53 học viên là người DTTS thuộc nhiều thành phần, lứa tuổi, từ 17 đến các mẹ, các bà 40, 50 hăng hái tham gia.
Công tác chuẩn bị phòng học, bút, vở… lo xong lại tiếp tới việc vận động người dân đến lớp. Dân nghèo quanh năm bán mặt trên rẫy để lo miếng ăn, chưa thiết tha con chữ. Hơn nữa, đối tượng mù chữ thường rơi vào người lớn tuổi, đã lập gia đình, con cháu đông đúc lại là đồng bào DTTS nên ngại đi học. Bằng phương pháp “cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc” thực hiện theo kiểu “mưa dầm, thấm lâu”, các anh đã vận động thành công.
“Để duy trì sĩ số học viên lâu dài lại càng khó hơn!”, anh Phạm Văn Hiếu (Đại úy, Đồn Biên phòng Ia Rvê, vừa chuyển công tác sang Đồn Biên phòng Ea H’Leo) tiếp lời.
The anh Hiếu, ban ngày người dân lao động vất vả, tối đến họ muốn nghỉ ngơi, dưỡng sức. Phụ nữ thì bận bịu việc nhà, đàn ông đôi khi sa đà chè chén quên cả việc đến lớp. Những lúc như vậy, các anh phải xuống tận nhà động viên.
“Những khó khăn trên, chúng tôi đã lường được trước. Với quyết tâm hoàn thành mục tiêu xóa nạn mù chữ, nâng cao trình độ dân trí cho người dân vùng biên … khó mấy chúng tôi vẫn quyết làm bằng được”, anh Hiếu chia sẻ.
Để nâng cao khả năng sư phạm, các chiến sĩ dạy học đã tự trao dồi kỹ năng giảng dạy, tìm cách biến những con chữ khô khan trong sách thành câu chuyện đơn giản, sát với thực tế đời sống, tạo không khí vui tươi, thu hút người học. Nhiều cha mẹ, ông bà hiểu được lợi ích của việc học chữ đã dẫn theo con cháu cùng đến lớp.
Với sự kiên trì bám lớp, các học viên học xong đều biết đọc, biết viết. Khi kết thúc khóa học, tất cả học viên đều đạt yêu cầu, được Phòng giáo dục huyện Ea Súp cấp Giấy chứng nhận đã hoàn thành chương trình xóa mù chữ theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Ông Lê Thanh Hải, Bí thư Đảng ủy xã Ia Rve cho biết: Nhờ các lớp xóa mù chữ do các chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tổ chức, người dân biết thêm về những kiến thức cơ bản như: làm giấy khai sinh cho con, đăng ký kết hôn, kiến thức pháp luật. Sau các lớp xóa mù chữ này, xã đã tiếp tục phối hợp cùng Đồn Biên phòng tiến hành khảo sát, mở các lớp học cho những người dân bị tái mù chữ.
Những chiếc xe đạp nghĩa tìnhLà cán bộ Đồn biên Phòng Ia Rvê, huyện Ia Súp (tỉnh Đăk Lăk), năm 2013, Thượng tá Nguyễn Hữu Phúc được tăng cường về xã biên giới Ea Bung, huyện Ea Súp thực hiện nhiệm vụ xây dựng, phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn. Suốt quá trình công tác, Thượng tá Phúc thường xuyên xuống địa bàn nắm bắt tình hình, chia sẻ khó khăn với cán bộ, nhân dân vùng biên.
Chứng kiến cảnh nhiều học sinh nghèo không có tiền sắm xe đạp phải cuốc bộ đến trường giữa trời nắng gắt, anh Phúc suy nghĩ, tìm cách rút ngắn đường đến trường cho em. Thấy trên TP. Buôn Ma Thuột, nơi anh sống, có nhiều nhà sắm xe mới, xe đạp cũ bỏ xó không đi nữa, anh đến hỏi mua, rồi dặn cả các chị ve chai có xe đạp cũ nhớ gọi bán cho anh. Mua về, anh sửa sang những chiếc xe này lại cho thật chắc chắn rồi chở vào xã tặng học trò nghèo.
Biết việc làm thiện nguyện đầy ý nghĩa, nhiều bạn bè, đồng nghiệp của vợ chồng anh xin cùng chung góp. Từ năm 2014 đến nay, anh cùng các mạnh thường quân đã tặng cho học trò nghèo trên vùng giáp biên 95 chiếc xe đạp.
Thượng tá Phúc tâm sự: Ea Bung là xã vùng sâu, người dân sống dựa và nghề nông nên thu nhập không cao. Với những trò nghèo, có được chiếc xe đạp đến trường là một ước mơ. Bản thân mình có gì giúp nấy. Hy vọng những chiếc xe nghĩa tình sẽ giúp đường đến trường của học sinh đỡ vất vả hơn.
Bằng những nỗ lực không ngừng nghỉ như mở các lớp học xóa mù hỗ trợ xe đạp cho học sinh đến trường các chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Rvê đã góp phần đẩy lùi nạn mù chữ cho người dân, tạo nền tảng phát triển kinh tế-xã hội trên vùng đất biên cương.
" Ngoài dạy xóa mù, tặng xe đạp, anh Phúc cùng đồng đội còn vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí cho sinh viên nghèo trên địa bàn đang học các trường cao đẳng, đại học. Các anh cũng trích một phần thu nhập của mình hỗ trợ xây dựng, trang trí nhà văn hóa cộng đồng, tường rào… vận động người dân chăm lo phát triển kinh tế, chấp hành đúng chủ trương chính sách pháp luật của Nhà nước. Nhờ đó cuộc sống nơi vùng biên đã khởi sắc, tình hình an ninh trật tự được đảm bảo. ,, |
QUANG ĐĂNG