Kích cầu nội địa, đa dạng hóa sản phẩm
Năm 2021, là năm thứ hai liên tục, ngành du lịch bị ảnh hưởng nhất bởi đại dịch Cvid-19. Dự báo du lịch thế giới phải 2,5 đến 4 năm mới phục hồi lại được như năm 2019, nên năm 2021 để tăng trưởng được, ngành du lịch phải dựa vào khách nội địa.
Nhờ việc kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19, ngành du lịch đã xác định, cơ cấu lại thị trường du lịch, lấy du lịch nội địa làm mũi nhọn, nhanh chóng triển khai các chương trình kích cầu du lịch nội địa gồm “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn”…đã được đẩy mạnh triển khai.
Điển hình như tại Quảng Ninh, sau khi kiểm soát tốt dịch bệnh, ngày 2/3/2021, địa phương này đã quyết định mở cửa du lịch nội tỉnh. Để thu hút du khách, địa phương này đã có nhiều giải pháp kích cầu du lịch cả năm 2021 gồm: Miễn, giảm giá vé thu phí vào điểm tham quan và tham quan lưu trú tại các điểm du lịch… Với nhiều giải pháp kích cầu, tính từ sau khi mở cửa du lịch nội tỉnh (2/3) và du khách tỉnh bạn (11/3) Quảng Ninh đã đón trên 40.000 lượt khách.
Song song với việc chuyển hướng lấy thị trường nội địa, kích thích nhu cầu ngoài yếu tố giảm giá, cần phải đa dạng hóa các sản phẩm, tạo ra các sản phẩm mới rất quan trọng đối với các đơn vị lữ hành. Vì giá đã giảm sâu, không còn dư địa để giảm, thì quan trọng hơn là sản phẩm cần có tính cá biệt hóa cao, đem lại nhiều giá trị, trải nghiệm thú vị , từ đó kích thích nhu cầu du lịch của khách hàng. Bên cạnh đó, cần làm mới các điểm đến cũ, bổ sung thêm những dịch vụ gia tăng để thu hút khách chi tiêu và quay trở lại nhiều lần.
Ông Lại Minh Duy, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Công ty TST Tourist chia sẻ, một trong những kinh nghiệm thành công của TST hiện nay là, phát triển dòng sản phẩm ngắn ngày – không lợi nhuận, kích thích nhu cầu khách hàng. Các gói sản phẩm ngắn ngày nhận được sự hưởng ứng tích cực từ du khách và sự quan tâm, ủng hộ của các cấp chính quyền.
Cần giải pháp phát triển bền vững
Tình hình dịch bệnh khó khăn khiến mỗi đơn vị du lịch đều phải vật lộn tự tìm kiếm lối thoát. Tuy nhiên hiện nay, doanh nghiệp du lịch đã quá kiệt quệ. Đã có hơn 500 doanh nghiệp lữ hành không thể tiếp tục hoạt động, xin thu hồi giấy phép”. 90-95% doanh nghiệp lữ hành tạm dừng hoạt động, công suất buồng phòng khách sạn chỉ còn 10-20%. Theo phân tích của các chuyên gia, phải mất 5-7 năm mới có thể hồi phục như năm 2019.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Thị Thanh Hương, mặc dù thời gian qua, ngành Du lịch đã đề xuất nhiều chính sách và doanh nghiệp, người lao động trong ngành Du lịch đã thực hưởng những hỗ trợ như: miễn, giảm tiền điện, thuế đất, phí thẩm định cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa, phí thẩm định cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch… Tuy nhiên, những hỗ trợ này không nhiều, chưa thiết thực, nhiều chính sách chưa thực sự đến được doanh nghiệp, người lao động ngành Du lịch.
Ví dụ một trong những điều kiện doanh nghiệp được vay để trả lương, đóng bảo hiểm cho người lao động là phải chứng minh đã cho ít nhất 50% nhân viên nghỉ việc. Tuy nhiên, hầu hết doanh nghiệp phải giữ chân người lao động, chỉ tạm cho lao động nghỉ không hưởng lương nên không được hưởng chính sách này… Ngoài ra, đội ngũ nhân viên ngành du lịch mất việc, thuộc nhóm trợ cấp từ gói an sinh xã hội thủ tục cũng rườm rà nên tỷ lệ nhận được hỗ trợ rất ít…
Theo ông Võ Anh Tài, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigon Tourist Group), đề hồi phục hoạt động du lịch hiệu quả, cần một mô hình du lịch Việt Nam bền vững hơn, linh hoạt hơn, đặc biệt đối với các doanh nghiệp. Sẵn sàng thích ứng, có cơ chế đóng mở, chuyển đổi linh hoạt, hiệu quả, giữa các hoạt động du lịch nội địa và quốc tế nhằm kiểm soát, hạn chế tác động ảnh hưởng và quản trị khủng hoảng hiệu quả hơn.
Việc nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp phát triển bền vững, sẽ giúp các doanh nghiệp ứng phó tốt hơn với các rủi ro hiện tại và trong tương lai. Tuy nhiên, việc nâng cao năng lực này gồm, nâng cao năng lực doanh nghiệp trên nhiều góc độ như: nâng cao nhận thức về du lịch bền vững, phát triển và khác biệt hóa sản phẩm du lịch bền vững, marketing du lịch bền vững, vận hành doanh nghiệp du lịch bền vững,....
Ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist cho rằng: Hoạt động của doanh nghiệp phải bảo đảm các mục tiêu của phát triển du lịch bền vững gồm: Hiệu quả kinh tế; phát triển cho địa phương; đáp ứng sự thỏa mãn của khách du lịch; bảo tồn các giá trị văn hóa; bảo vệ tự nhiên; bảo vệ môi trường; sử dụng hiệu quả các nguồn lực; an sinh xã hội và công bằng xã hội.
Từ đó cho thấy, để đáp ứng nhu cầu thị trường thay đổi, thị hiếu của du khách, xu hướng du lịch cũng thay đổi..., nên cách làm du lịch không còn cách nào khác cũng phải thay đổi để phù hợp với tình hình mới.
Tuy nhiên, để vực dậy ngành du lịch với những tổn thương nặng nề như hiện nay, cần có sự cơ cấu lại ngành du lịch, có chiến lược dài hơi để tạo liên kết các địa phương, các ngành, các doanh nghiệp; cơ cấu lại sản phẩm; định hướng thị trường, xúc tiến quảng bá; đào tạo nguồn nhân lực.