Ông Phương (quận 12, TP. Hồ Chí Minh) từng có ý định lập hợp đồng chuyển nhượng bất động sản thấp hơn giá trị giao dịch thực tế để "né" thuế. Tuy nhiên, khi được hướng dẫn và vận động của cơ quan chức năng, mảnh đất gần 1.000 m2 của ông Phương được kê khai đúng với giá chuyển nhượng là 55 tỷ đồng.
"Nếu làm không đúng, sau này sẽ rắc rối, nên mình nghe theo hướng dẫn, làm đúng luật", ông Phương cho hay.
Ông Nguyễn Đình Thịnh - Văn phòng Công chứng Nguyễn Đình Thịnh, Tp. Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh) cho biết: "Các tổ chức công chứng đều trao đổi với người dân và hướng dẫn khai đúng để tránh lên cơ quan thuế thì bị trả lại".
Mỗi ngày, Chi cục Thuế Tp.Thủ Đức tiếp nhận khoảng 150 hồ sơ nộp thuế liên quan đến chuyển nhượng bất động sản. Nhiều hồ sơ bị buộc trả về để làm lại do kê khai giá quá thấp. Tuy nhiên, tỷ lệ khai chưa đúng đang giảm dần.
Trong quý I, ngành Thuế thành phố đã phải điều chỉnh hơn 10.000 bộ hồ sơ thuế. Thu nộp ngân sách thêm 147 tỷ đồng. Cùng với việc siết chặt hoạt động kê khai chuyển nhượng bất động sản, ngành thuế cũng triển khai nhiều giải pháp để chống thất thu ngân sách.
"Đối với tài sản là bất động sản và nhà chung cư trong quá trình giải quyết hồ sơ của cơ quan thuế có thể thu thập giá giao dịch tại các sàn giao dịch bất động sản, cũng như là giá bán của chủ đầu tư để làm cơ sở đối chiếu so sánh với giá kê khai. Đây đều là nguồn thông tin đáng tin cậy để cơ quan thuế đấu tranh với những hành vi cố tình khai sai số tiền thuế phải nộp", ông Thái Minh Giao - Phó Cục trưởng Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh cho biết.
Tuy nhiên, việc xác định chính xác giá giao dịch nhà đất trên thực tế là rất khó, trong khi khung giá đất do UBND các tỉnh, thành phố ban hành thường thấp hơn rất nhiều so với giá thị trường. Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh vừa đề xuất UBND thành phố sớm ban hành bảng giá đất tối thiểu để áp dụng chung, giúp cán bộ thuế dễ xác định giá cũng như thuyết phục người dân.