Chỉnh tiếng chiêng “lạc”
Nói đến sự “say nghề” chỉnh chiêng, dân làng đều nhắc đến Nghệ nhân Rơ Châm Guk, làng Mrông Yố 1, xã Ia Ka, huyện Chư Păh. Chỉ với dụng cụ rất đơn giản như cái dùi gỗ và chiếc búa nhỏ, ông Guk đi khắp làng để bắt từng nhịp chiêng “lạc”, tìm lại thanh âm chuẩn nhất cho chiêng.
Ông Guk còn có tài đánh chiêng và kỹ năng thẩm âm độc đáo. Bởi, muốn chỉnh được âm cồng chiêng, thì trước tiên phải biết đánh, phải biết cảm nhận sâu sắc âm thanh của dàn cồng chiêng. Chỉnh cồng chiêng cần phải từ từ để cảm nhận âm thanh bị lỗi, để riêng và sửa chữa.
Trong quá trình hiệu chỉnh, các nghệ nhân vừa xoay chiêng, gõ gõ bằng những dụng cụ chuyên dụng, vừa ghé sát tai để cảm nhận âm thanh của từng chiếc một để chỉnh âm thanh về đúng nhịp. Có khi, cả nhóm cùng hòa tấu một đoạn nhạc để kiểm tra chất lượng âm thanh vừa chỉnh đã chuẩn chưa. Chiêng nào bị "lạc" âm nhẹ thì chỉ chỉnh một chút là xong, chiêng nào bị nặng thì phải mất vài ngày trời.
"Chỉ cần có người nhờ chỉnh chiêng, dù ở gần hay xa, chúng tôi cũng sắp xếp công việc để đến chỉnh giúp", Nghệ nhân Rơ Châm Guk cho hay.
Như những bác sỹ chuyên ngành, các nghệ nhân có nghề nhanh chóng "bắt mạch" rồi "chữa bệnh" cho những chiếc chiêng lạc nhịp. Những làng ở gần, người dân sẽ mang cồng, chiêng đến nhờ các nghệ nhân sửa chữa. Với những làng ở xa hàng, vì điều kiện khó khăn không di chuyển được, đoàn nghệ nhân phải đến tận nơi, ở lại vài ba ngày mới chỉnh xong bộ cồng, chiêng”.
Theo số liệu thống kê năm 2023, tỉnh Gia Lai hiện có 32 nghệ nhân Ba Na, Gia Rai được Chủ tịch Nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, trong đó có 10 nghệ nhân chỉnh chiêng và trình diễn cồng chiêng (3 người đã mất). Đây là những “báu vật nhân văn” đang đóng góp thầm lặng để bảo vệ, phát huy giá trị không gian văn hóa cồng chiêng trên địa bàn tỉnh.
Được thừa hưởng từ cha, nghệ nhân Ưu tú Đinh Dốch, xã Kông Htok, huyện Chư Sê nổi danh với tài chỉnh chiêng của làng U Diếp. Từ những lần đi phụ việc cùng cha, thanh âm trầm hùng của cồng chiêng đã mê hoặc, thôi thúc, đưa ông đến với nghề.
Gần 70 mùa rẫy, ông đã có hơn 40 năm rong ruổi khắp các làng xã lân cận để chỉnh chiêng. Ông Dốch chia sẻ: Trước đây, ông thường theo cha phụ việc đi chỉnh chiêng khắp nơi. Dần dần thanh âm của chiêng thấm vào người lúc nào không hay. Nối nghiệp cha, bộ chiêng nào hỏng tiếng, lạc nhịp, ông dùng búa gõ nhẹ, lắng nghe tiếng của nó để đưa về đúng điệu. "Thật vui là trong nhà không chỉ có tôi mà còn đứa con trai theo nghề truyền lại của cha ông truyền dạy và tiếp nối đến nay cũng được 10 năm chỉnh chiêng", ông Dốch phấn khởi thông tin
Theo số liệu thống kê năm 2023, tỉnh Gia Lai hiện có 32 nghệ nhân Ba Na, Gia Rai được Chủ tịch Nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, trong đó có 10 nghệ nhân chỉnh chiêng và trình diễn cồng chiêng ( hiện 3 người đã mất). Đây là những “báu vật nhân văn” đang đóng góp thầm lặng để bảo vệ, phát huy giá trị không gian văn hóa cồng chiêng trên địa bàn tỉnh.
Nâng cao kỹ năng chỉnh chiêng
Thời gian qua, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của đồng bào các DTTS, trong các lễ hội, những nghệ nhân được trình diễn tài nghệ chỉnh chiêng, đánh chiêng của mình. Cùng với đó, những lớp "truyền dẫn chỉnh chiêng, đánh chiêng", truyền dạy cồng chiêng tại huyện Ia Grai, Chư Păh, Chư Pưh, Ia Pa… đã tạo điều kiện để các nghệ nhân thêm “say nghề” và truyền dạy chỉnh chiêng cho lớp trẻ.
Đặc biệt, từ kinh phí của Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ 2021 - 2025, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch mở 2 lớp chỉnh chiêng cho gần 50 học viên là người Ba Na, Gia Rai, mỗi lớp kéo dài 10 ngày. Các lớp dạy đều do Nghệ sĩ Ưu tú, nghệ nhân Phạm Chí Khánh và nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền giàu kinh nghiệm truyền dạy.
Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền chia sẻ: Chỉnh chiêng cũng giống như lên dây cho đàn guitar. Lâu nay nhiều người vẫn xem chỉnh chiêng là kỹ thuật bí truyền, khó thực hiện. Nhưng qua các lớp truyền dạy kỹ thuật chỉnh chiêng bằng phương pháp mới do ông nghiên cứu, 100% học viên đều có thể chỉnh chiêng sau khóa học.
"Tôi muốn trao phương pháp để người dân tự bảo tồn tại cộng đồng. Các nghệ nhân tham gia lớp học này, sẽ nắm được kỹ thuật chỉnh chiêng kỹ và có thể về buôn làng truyền dạy lại cho cộng đồng một cách có hệ thống”, ông Hiền cho hay.
Được tham gia lớp học chỉnh chiêng, nghệ nhân Rơ Châm Guk,làng Mrông Yố 2, xã Ia Ka, huyện Chư Păh chia sẻ: Tham gia lớp học, chúng tôi đều mang theo những bộ chiêng quý, chiêng cổ của làng hoặc của gia đình mình, học lý thuyết xong thì thực hành ngay trên những bộ chiêng đó. Học chừng 10 ngày là có thể chỉnh chiêng đúng về thang âm cổ. Còn trước đây, mình học chỉnh chiêng bằng trí nhớ, phải tính bằng năm mới thực hành được. Với phương pháp mới rất hay, khoa học, hy vọng thế hệ trẻ có thể tiếp nhận về truyền đạt lại cho bà con để làng nào cũng có người chỉnh chiêng.
Với thế hệ trẻ như anh Siu Thanh (26 tuổi, làng Plei Djriêk, thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh), kỹ thuật chỉnh chiêng lâu nay rất mờ ảo, khó tiếp cận để hiểu thật kỹ thì nay hoàn toàn sáng rõ. Anh cho hay: Anh biết chơi chiêng từ nhỏ và thường xuyên đi dạy đánh cồng chiêng cho các làng và học sinh Trường THCS Dân tộc nội trú huyện. Nhưng chiêng sai âm thì mình không biết sửa. Tham gia lớp học của thầy Hiền, anh Siu Thanh có thể phân biệt tiếng chiêng đúng hay sai, nhất là thang âm của cồng chiêng Gia Rai hay Ba Na. "Thầy Hiền giúp mình hiểu rằng, phải giữ thang âm cổ truyền của người Gia Rai mới có thể bảo tồn được bản sắc văn hóa Gia Rai”.
Với những nỗ lực của các cấp, ngành tỉnh Gia Lai, những nghệ nhân chỉnh chiêng có thêm động lực để phát huy kỹ năng, niềm đam mê tìm lại thang âm cổ của cồng chiêng cũng như gìn giữ, bảo vệ văn hóa Tây Nguyên một cách bền vững.