Nhận thấy đất vườn sẽ mang lại thu nhập cao hơn nếu sử dụng một cách hợp lý, tháng 9 năm 2017 gia đình anh Đinh Láng ở thôn Tiến Hóa 2, xã Hồng Hóa quyết định chuyển sang trồng cây ăn quả. Anh đã mạnh dạn đầu tư gần 200 triệu đồng để cải tạo đất, làm hệ thống hàng rào, mua phân bón, cây giống. Với 500 gốc bưởi diễn, 150 gốc ổi và 50 gốc cam, chưa đầy nửa năm chăm sóc, các loại cây trồng đã thích hợp với điều kiện đất đai, khí hậu và trên đà phát triển rất tốt, nhiều gốc bưởi, cam, ổi hiện đã cho quả trĩu cành.
Mặc dù chưa có thu nhập, nhưng đây là mô hình trồng cây ăn quả đầy triển vọng, mở ra một hướng đi mới trong phát triển kinh tế cho gia đình. Anh Láng cho biết: Tôi vừa làm vừa tìm hiểu và thực hành kỹ thuật chăm sóc. Cây trồng phát triển rất nhanh, lứa quả đầu tiên sẽ bán được vào cuối năm nay, đây là một thành công ngoài mong đợi để gia đình tiếp tục mở rộng diện tích.
Còn ở xã Hóa Tiến, mô hình kinh tế tổng hợp của chị Đinh Thị Mai ở thôn Tân Tiến đã mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình. Trên diện tích đất hơn 2ha, vợ chồng chị Mai giữ lại những cây gỗ quý như trầm, lát, diện tích còn lại là rừng tạp đã được gia đình chị Mai cải tạo để trồng keo, tràm. Bên cạnh đất của gia đình chị có khe nước chảy qua, chị đã mua ống dẫn nước về để đào ao thả cá.
Đặc biệt 3 năm nay, chị Mai đầu tư mô hình nuôi lợn bản và mang lại lợi nhuận ổn định. Chỉ một cặp giống ban đầu, bình quân mỗi năm cho ra đời từ 20 đến 30 con lợn thịt, đến thời điểm này chị đang có 22 con lợn bản vào thời kỳ xuất chuồng. Chị Mai cho biết: 2ha đất rừng đã được gia đình chị làm hàng rào che chắn cẩn thận, do đó lợn được thả tự do để ăn cây cỏ, lá rừng, ngoài ra chị còn đi chặt cây chuối rừng, trồng sắn để làm thức ăn cho lợn, nên những người sành ăn họ thường tìm đến để mua lợn của gia đình chị. Hiện mỗi năm gia đình có nguồn thu ổn định lên tới 150 triệu đồng từ các mô hình kinh tế trên.
Nhờ thực hiện tốt công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sản xuất nông nghiệp toàn huyện Minh Hóa những năm qua đã có nhiều khởi sắc, thu nhập của bà con Minh Hóa ngày một tăng cao, góp phần ổn định cuộc sống vươn lên thoát nghèo bền vững.
Năm 2018 này, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Minh Hóa đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi để phù hợp với điều kiện thời tiết cũng như nhu cầu thị trường. Tại xã Hóa Sơn nhiều hộ dân dành một phần đất đồi để phát triển mô hình nuôi gà bán chăn thả. Hay như tại xã Xuân Hóa, trước đây người dân thường để đất hoang hóa, nay đã được phủ xanh các loại cây trồng ngắn ngày như mướp đắng, cà, bầu, bí, đậu xanh...
Theo đó, thời gian tới, huyện Minh Hóa sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng để giúp người dân xóa đói giảm nghèo. Ngoài việc lựa chọn những giống mới phù hợp, năng suất, giá trị kinh tế cao đưa vào sản xuất, huyện cũng sẽ nhân rộng những giống cây trồng, vật nuôi đã và đang mang lại hiệu quả cao theo hướng quy mô sản xuất hàng hóa, liên kết với thị trường bên ngoài để người dân ngày một nâng cao thu nhập.
THÙY LINH