Sinh kế tại chỗ
Ngày chúng tôi đến thăm nhà chị Zuông Nâm (thôn Vinh, xã Tà Pơ, Nam Giang) chỉ còn 2 con heo đen địa phương nuôi thịt và một con heo đen sinh sản trong chuồng. Chị Nâm vừa xuất bán 4 con heo đen, với giá 170.000 đồng/kg, thu hơn 17 triệu đồng.
Được sự hỗ trợ, hướng dẫn của Đoàn Thanh niên xã Tà Pơ, chị Nâm mạnh dạn vay 30 triệu đồng vốn hỗ trợ thoát nghèo vào năm 2019. Từ nguồn vốn này, vợ chồng chị mua một cặp heo đen trong làng, về nuôi sinh sản, nhân giống. Rồi vợ chồng lại đào ao nuôi cá, xây dựng mô hình vườn - ao - chuồng ngay trong vườn nhà.
Chị Nâm nói: “Trên thì mình nuôi heo, dội chuồng heo chảy xuống ao. Dưới ao nuôi cá, trên mặt ao thả vịt. Cá với vịt nhanh lớn thì có cái ăn, trồng thêm rau nữa. Năm đầu nuôi heo, chỉ để nhân giống, đến năm 2020 bán được heo thịt rồi. 1 năm bán được 25 con heo đen. Heo đen được giá, dễ nuôi, không bệnh, rất hút người mua, tiếc là nuôi không đủ để bán. Mình thoát nghèo năm 2019, đến giờ cuộc sống đã khá hơn nhiều rồi. Vợ chồng mình có sức lao động, làm được hết”.
Sinh kế tại chỗ giúp hộ nghèo thoát nghèo, không tái nghèo là câu chuyện mà các huyện miền núi mãi loay hoay. Trồng cây gì, nuôi con gì vừa phù hợp khí hậu địa phương, vừa có đầu ra, tăng thu nhập cho hộ nghèo cũng phải dựa trên khả năng, nguyện vọng của họ.
Tỷ lệ hộ nghèo ở miền núi cao, năm 2021 là 18,09% (trong khi tỷ lệ chung của toàn tỉnh chỉ 5,3%). Sinh kế gắn với cuộc sống của người dân ở miền núi được xây dựng bền vững thì tỷ lệ tái nghèo sẽ thấp.
Lựa chọn sinh kế
Ở huyện Nam Trà My, phát triển dược liệu luôn là hướng đi được chính quyền và nhân dân ủng hộ. Ông Trần Duy Dũng - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết: “Định hướng giảm nghèo cho người dân bằng sản xuất dược liệu tại chỗ vẫn là hướng đi mà Nam Trà My luôn theo đuổi. Người dân trồng dược liệu dưới tán rừng, gắn sinh kế gắn với bảo vệ rừng. Người dân vừa thụ hưởng được sinh kế từ rừng, vừa được nhận nguồn hỗ trợ chăm sóc, bảo vệ rừng.
Do dịch Covid-19, việc đưa lao động đi làm ở các khu công nghiệp bị ảnh hưởng, thậm chí người đi làm rồi cũng quay về. Nên sinh kế tại chỗ cho người dân để chống tái nghèo trong thời điểm này rất cần thiết”.
Lựa chọn sinh kế thế nào cho phù hợp với các huyện miền núi đang được các địa phương hỗ trợ người dân thực hiện. Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện mục tiêu Nghị quyết 06 của Tỉnh ủy, song các huyện miền núi gặp rất nhiều khó khăn do dịch Covid-19 và thiên tai.
Năm này, nguồn lực từ Trung ương phân bổ để thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo không kịp thời, nên tất cả mô hình sinh kế dự kiến sẽ nhân rộng, hỗ trợ cho hộ nghèo đều phải gác lại. Không có nguồn lực, các huyện nỗ lực tuyên truyền, vận động trong nhân dân giúp nhau thoát nghèo.
Rất nhiều dự định cho năm đầu tiên đối với các mô hình sinh kế, nhưng dịch bệnh bao phen đã khiến nguồn lực cạn kiệt. Nói như ông Arất Blúi - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, thiên tai khiến huyện phải lo tái định cư cho dân, sau đó sẽ là sinh kế để thoát nghèo bền vững.
Nhưng tất cả nếu không có nguồn lực đầu tư, hỗ trợ thì rất khó thực hiện. Vì thế mà năm này, nhiều hộ nghèo thoát nghèo bằng sinh kế do bản thân họ thực hiện, có thể bằng nguồn vốn vay hoặc bằng sức lao động, chính là những hộ có ý chí, có nghị lực thật sự, và sự thoát nghèo đó sẽ bền vững./.