Dân chưa thuận…Đã hơn 3 năm nay, bà Trần Thị Đoàn, thôn Cộng Hòa, xã Quỳnh Long (huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) thay cha già đã hơn 80 tuổi lên UBND xã nhận tiền trợ cấp xã hội hằng tháng. Cán bộ phụ trách văn hóa kiêm nhiệm vụ chi trả tiền BTXH xã Quỳnh Long đã quen thuộc nên bà Đoàn không cần bất cứ giấy tờ gì, “đến hẹn lại lên”, gặp-ký và nhận tiền.
Nhưng từ tháng 7/2016, cán bộ văn hóa xã Quỳnh Long không trực tiếp chi trả tiền BTXH cho các đối tượng chính sách trên địa bàn nữa mà thông qua cán bộ bưu điện tại điểm bưu điện văn hóa xã. Theo quy định, bà Đoàn muốn nhận tiền BTXH thay cha thì phải có giấy ủy quyền.
“Lâu nay nhận chế độ bảo trợ qua UBND xã thì đơn giản, nay qua Bưu điện phải có giấy ủy quyền. Giấy ủy quyền phải lên xã lấy, về điền thông tin vào, sau đó lại quay lại xã đóng dấu. Rất phiền toái, mất thời gian của chúng tôi quá”, bà Đoàn chia sẻ.
Tâm trạng của bà Đoàn không khó hiểu bởi bà là lao động chính trong nhà, để làm được giấy ủy quyền thay cha đi nhận tiền trợ cấp, bà mất nhiều thời gian. Không những vậy, khi lên điểm bưu điện văn hóa xã để nhận tiền, bà cùng hàng chục người khác phải ngồi chờ hàng tiếng đồng hồ trong một không gian chật hẹp.
“Số tiền trợ cấp không nhiều (180.000 đồng-PV) mà phải chờ mất cả buổi. Nơi chi trả quá chật chội, không đủ ghế ngồi, phải ra sân chờ. Ngoài ra, thao tác chi trả của cán bộ bưu điện quá chậm và cứng nhắc. Trong vòng gần 1 tiếng đồng hồ mà nhân viên bưu điện chỉ phát được cho hơn chục đối tượng”, bà Đoàn cho biết.
Đánh giá về những vướng mắc trong việc chi trả BTXH qua bưu điện, ông Hoàng Quốc Hoàn, Trưởng phòng LĐTBXH huyện Quỳnh Lưu, cho biết: Toàn huyện có hơn 14 nghìn đối tượng bảo trợ, mỗi tháng chi trả khoảng 2,6 tỷ đồng. Đối tượng chi trả bảo trợ khá đặc biệt, phải kiểm tra cập nhật thường xuyên từ UBND xã, Phòng LĐTBXH sang Bưu điện nên có một số khó khăn, lúng túng. Bên cạnh đó, một số xã xử lý thủ tục hành chính còn cứng nhắc khiến người dân bức xúc là có thật.
Cán bộ xã chưa thôngNhững vướng mắc trong chi trả BTXH qua Bưu điện không chỉ ở huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An mà còn của nhiều địa phương khác trên cả nước. Thậm chí, có nhiều địa phương không mặn mà với việc triển khai phương thức chi trả mới này.
Lạng Sơn là tỉnh triển khai chi trả BTXH qua bưu điện khá muộn, bắt đầu từ tháng 9/2016. Hiện mỗi tháng, 270 điểm bưu cục, bưu điện văn hóa xã trực thuộc Bưu điện tỉnh Lạng Sơn thực hiện chi trả BTXH cho khoảng 25 nghìn đối tượng, với số tiền 70 tỷ đồng.
Sau 4 kỳ chi trả (tháng 9,10,11,12) , huyện Hữu Lũng được đánh giá là “điểm sáng” hiếm hoi của tỉnh Lạng Sơn trong việc thực hiện phương thức mới này. Trong tháng 10/2016, đoàn công tác của Sở LĐTBXH tỉnh Thái Nguyên đã sang Hữu Lũng để học tập kinh nghiệm.
Nhưng theo bà Đào Thị Thu Lan, Phó Trưởng phòng LĐTBXH huyện Hữu Lũng, việc chi trả BTXH qua Bưu điện vẫn có nhiều vướng mắc. “Cái vướng nhất trong việc thực hiện chi trả qua bưu điện là cán bộ bưu điện không nắm kỹ thông tin về đối tượng được thụ hưởng. Do vậy, cán bộ văn hóa xã dù không còn nhiệm vụ chi trả BTXH nhưng vẫn phải thực hiện nhiệm vụ giám sát những biến động của đối tượng để việc chi trả của cán bộ bưu điện không xảy ra sai sót”, bà Lan cho hay.
Lý giải rõ hơn, bà Lan đưa ra dẫn chứng: Đối tượng A năm nay đã 86 tuổi, sức khỏe yếu, không lương hưu, không bảo hiểm y tế. Đối tượng có thể chết bất cứ lúc nào. Nhưng giám sát sự biến động này chỉ có thể trông chờ vào cán bộ văn hóa xã, còn cán bộ bưu điện chỉ giám sát đối tượng qua danh sách ấn định sẵn. Do vậy, nếu như không biết được sự biến động của đối tượng A thì rất có thể xảy ra trường hợp chi trả nhầm.
Ngoài ra, theo bà Lan, cũng chính vì “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” nên không ít cán bộ văn hóa xã không đồng tình với việc thực hiện chi trả BTXH qua bưu điện. “Trước đây, mỗi tháng kiêm nhiệm chi trả BTXH, cán bộ văn hóa xã còn được phụ cấp thêm mấy trăm nghìn đồng. Nay chi trả qua bưu điện, tiền phụ cấp không còn, nhưng vẫn phải thực hiện nhiệm vụ giám sát biến động của đối tượng nên cán bộ văn hóa xã không mặn mà cho lắm”, bà Lan nói.
Cần hướng tới chi trả tận nhàChia sẻ thật về những khó khăn, vướng mắc trong việc chi trả BTXH qua bưu điện, nhưng Phó Trưởng phòng LĐTBXH huyện Hữu Lũng vẫn khẳng định, đây là phương thức chi trả phù hợp với xu thế phát triển, là một trong những giải pháp quan trọng để cải cách thủ tục hành chính. Quan trọng nhất là phải sớm tìm cách tháo gỡ những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện.
Theo bà Lan, giải pháp quan trọng nhất, cũng là mục tiêu mà dịch vụ hướng tới, là tiến hành chi trả BTXH tận nhà, tận nơi cư trú của đối tượng được thụ hưởng. Theo khảo sát, hiện có khoảng 20-25% trong số đối tượng bảo trợ là tàn tật, già yếu không đi lại được cần được Bưu điện tiến hành chi trả tại nhà. Việc thực hiện chi trả tận nhà không chỉ góp phần giúp cán bộ bưu điện nắm được sự biến động của đối tượng, giảm áp lực cho cán bộ văn hóa xã mà còn giải quyết được những bức xúc của người dân khi đến điểm bưu điện văn hóa xã để nhận tiền BTXH như hiện nay.
Nhưng để tiến hành chi trả tận nhà, ngành Bưu điện vẫn cần một lộ trình nhất định. Vì vậy, trước mắt, để việc chi trả BTXH qua bưu điện được thuận lợi, chính quyền địa phương cần tập trung tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục hành chính liên quan đến giấy ủy quyền. Hơn nữa, Bưu điện các địa phương khi thực hiện chi trả BTXH thì cần phối hợp với UBND các xã để bố trí hội trường rộng rãi, bởi hiện nay, xã nào cũng có nhà văn hóa đáp ứng đủ cơ sở vật chất để thực hiện. Có như vậy, việc chi trả BTXH qua Bưu điện mới đi đúng lộ trình, đạt mục tiêu đề ra.
Sỹ Hào