Ngược đường xuyên Á
Cha Lo là tên một bản thuộc xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, cách cửa khẩu Cha Lo chừng 5km. Khi người Pháp mở tuyến quốc lộ 12A nối Quốc lộ 1 - từ thị xã Ba Đồn tỉnh Quảng Bình hiện nay - vượt dãy Trường Sơn để sang Lào, thì Cha Lo chính là điểm cuối trên đất Việt Nam của con đường ấy. Vì thế, người Pháp đã đặt tên cho cửa khẩu ấy là Cha Lo.
Đồn Biên phòng (ĐBP) ở đây cũng được gọi theo tên bản - ĐBP Cha Lo – là một trường hợp hi hữu, “ngoại lệ”. Bởi lẽ thường, các ĐBP ngoài số hiệu quân đội, thì còn được gọi theo tên của xã sở tại. Có lẽ vì thế mà mặc nhiên, cái tên Cha Lo trở nên nổi tiếng, mặc nhiên được nhắc tới và mặc nhiên được sử dụng trong mọi quan hệ. Từ bao giờ, cái tên Cha Lo đi vào tiềm thức, đi vào câu hát và dĩ nhiên đi vào đời sống một cách tự nhiên.
Dài dòng thế để thấy rằng, Cha Lo có vị trí dễ nhớ, dễ hiểu đến nhường nào.
Vào một ngày mới còn mờ sương, ngược đường 12A xuyên Á từ ngã ba khe Ve, thuộc xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình), chúng tôi lên cửa khẩu quốc tế (CKQT) Cha Lo. Quãng đường rừng ngót 40km quanh co tựa dải lụa vắt qua những triền núi cao.
Cha Lo giờ đây đã hội đủ những điều kiện để phát triển. Con đường 12A xuyên Á từ điểm nối Quốc lộ 1A tại thị xã Ba Đồn (Quảng Bình) đến tận thành phố cảng Mawlamyine (Myanmar), kết nối một vùng rộng lớn hàng triệu dân với nhiều trung tâm kinh tế lớn của Việt Nam, Lào, Thái Lan, Myanmar chính là tiềm năng không thể lí tưởng hơn.
Trên đường đến với CKQT Cha Lo, chúng tôi đang hình dung đến một không khí đìu hiu, ảm đạm do ảnh hưởng của dịch bệnh. Nhưng không, Cha Lo vẫn sôi động, bởi hàng trăm chiếc xe ô tô chở hàng hóa các loại, nối đuôi nhau thành hàng dài từ khu vực biên giới Việt - Lào qua trung tâm kiểm soát nhập cảnh. Tại khu vực chờ đổi tài, hàng loạt xe tải đang nằm chờ.
Đại úy Lê Tiến Dũng, Trưởng trạm biên phòng CKQT Cha Lo cho biết: Lưu lượng người, hàng hóa và phương tiện thông quan có giảm hơn so với khi chưa có dịch, nhưng vẫn đông, nằm ở tốp đầu các cửa khẩu Việt-Lào. Bởi cung đường từ Thái Lan, Lào về Việt Nam qua Quốc lộ 12A là ngắn và an toàn nhất.
Dáng dấp của một trung tâm kinh tế và đô thị
Ai đã từng đến đây và bẵng đi một thời gian quay lại, thì không thể không ngạc nhiên, bởi sự vươn dậy của Cha Lo với dáng dấp một thị trấn trẻ sôi động, bừng sáng giữa đại ngàn Trường Sơn. Thật khó mà hình dung được một Cha Lo, tựa như một chấm nhỏ dưới chân dãy Giăng Màn quanh năm mờ sương thuở nào, nay đã tấp nập, rộn ràng xe cộ qua lại.
Hiện tại, khu kinh tế CKQT Cha Lo đã hoàn thiện quy hoạch, với địa bàn rộng lớn chạy dọc theo Quốc lộ 12A với 538km2, từ CKQT Cha Lo về xuôi, thuộc 6 xã Dân Hóa, Trọng Hóa, Hóa Thanh, Hóa Tiến, Hóa Phúc và Hồng Hóa của huyện Minh Hóa. Các công trình chức năng, dịch vụ đã mọc lên san sát, với nhà làm thủ tục hải quan, kho bạc, ngân hàng, bưu điện, trung tâm thương mại và ven những con đường là các kho hàng, bến bãi, khu dân cư...
Tính đến nay, khu kinh tế CKQT đã thu hút tổng cộng 10 dự án, với tổng mức đầu tư trên 500 tỷ đồng. Thu hút đầu tư hiệu quả, cộng với hạ tầng kỹ thuật bảo đảm đã góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại qua khu kinh tế CKQT ngày càng khởi sắc.
Dẫn chúng tôi đi một vòng, Phó Trưởng ban quản lí khu kinh tế Quảng Bình - Trưởng Văn phòng khu kinh tế CKQT Cha Lo, ông Đậu Trọng Cảnh giới thiệu: Đường 12A trở thành cung đường ngắn nhất để hàng hóa từ vùng đông bắc Thái Lan tới Việt Nam, và xuất khẩu đi nước thứ ba. Giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu trung bình ở đây là 2 tỉ USU mỗi năm, hiện đang cao nhất trong số các cửa khẩu thông thương với Lào.
Nói chuyện “ra, vào” ở CKQT Cha Lo, ông Cảnh thông tin nhanh: “Lượng hàng hóa nhập khẩu qua CKQT Cha Lo chiếm 80 - 90%”. Tôi hỏi lại “Vì sao lượng nhập khẩu lại nhiều đến vậy?”.
Thì ra hàng hóa nhập khẩu từ Lào qua Cha Lo vào Việt Nam chủ yếu là quặng sắt, quặng đồng và thạch cao. Đó là những thứ mà ở Lào rất sẵn. Có điều lượng quặng nhập khẩu đó, lại là hàng quá cảnh, hàng tái xuất; để rồi hàng tạm nhập sẽ được chuyển xuất qua cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) sang Trung Quốc từ cảng Vũng Áng (Hà Tĩnh), cảng Cửa Lò (Nghệ An).
Tôi cảm thấy tiếc nuối, giá mà có cách gì để “chế biến” quặng thành thành phẩm nào đó, thì giá trị kinh tế sẽ cao hơn và sẽ có việc làm cho nhiều lao động tại chỗ. Sẽ hạn chế được số người xuất cảnh sang Lào lao động thủ công.
Còn hàng xuất, cũng đã có nhiều khởi sắc hơn, với thiết bị điện tử, dệt may, hàng hóa nông nghiệp, than cám và vật liệu xây dựng. Nếu trước đây, chỉ những doanh nghiệp trong tỉnh thông quan, thì nay cả doanh nghiệp của Quảng Trị, Hà Tĩnh, Nghệ An và các tỉnh phía Bắc, phía Nam cũng mở tờ khai qua CKQT Cha Lo.
Nói về tác động của khu kinh tế CKQT Cha Lo đối với địa phương, ông Bùi Anh Tuấn, Bí thư Huyện ủy huyện Minh Hóa phấn khởi rằng: “Sự phát triển mạnh mẽ của khu kinh tế CKQT Cha Lo đã đem lại sức bật mới cho địa phương, đặc biệt là các xã nằm dọc theo đường Quốc lộ 12A. Định hướng đến năm 2030, khu kinh tế CKQT Cha Lo là một trung tâm kinh tế và đô thị phía Tây của tỉnh Quảng Bình; khi ấy, những xã vùng miền núi phía Tây Minh Hóa sẽ có những chuyển biến tích cực hơn".