Để phụ nữ lên tiếng
Đức Long là xã biên giới, đặc biệt khó khăn của huyện Hòa An. Đường biên giới qua địa bàn xã có chiều dài 5,505 km tiếp giáp với trấn Bố Cục và trấn Hạ Đống của huyện Long Châu, khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc. Toàn xã 512 hộ với hơn 2.019 nhân khẩu, sinh sống tại 06 xóm, trong đó có 02 xóm sát biên (Bản Pò, Bản Mớ).
Với vị trí địa lý và điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, Đức Long là địa bàn đầu tư của Chương trình MTQG 1719. Theo bà Nông Thúy Kiều, Phó Chủ tịch UBND xã Đức Long, trong quá trình triển khai các dự án, tiểu dự án của Chương trình MTQG 1719, xã chú trọng lồng ghép giới, góp phần nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ.
Đặc biệt, thực hiện Dự án 8, xã Đức Long chú trọng thực hiện nội dung đối thoại chính sách. Đây là hoạt động góp phần đảm bảo tiếng nói, vai trò và sự tham gia thực chất của phụ nữ trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội tại cơ sở và giám sát thực hiện bình đẳng giới trong quá trình thực hiện Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn xã.
Năm 2023, với chủ đề “Thúc đẩy bình đẳng giới và phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế - xã hội”, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Hòa An phối hợp với xã Đức Long tổ chức hội nghị đối thoại chính sách cụm xóm lần đầu tiên tại xã. Hội nghị có sự tham gia đầy đủ của lãnh đạo Hội LHPN huyện, Thường trực Đảng ủy, lãnh đạo UBND, cán bộ công chức xã và gần 70 chị em là hội viên, phụ nữ hai xóm Phia Tráng và Nà Niền.
Trong không khí dân chủ, thẳng thắn, cởi mở, hội nghị đã ghi nhận 10 lượt ý kiến các ý kiến của hội viên, phụ nữ bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị các vấn đề như: Việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn; quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; các chính sách hỗ trợ các dự án khởi nghiệp cho phụ nữ; hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP tại địa phương;…
Các ý kiến của chị em phụ nữ 02 xóm đã được lãnh đạo UBND xã Đức Long trả lời, gợi mở cho chị em phụ nữ 02 xóm hướng phát triển kinh tế gia đình, nâng cao thu nhập. Vừa giải đáp các câu hỏi của hội viên, phụ nữ, lãnh đạo xã Đức Long vừa lồng ghép tuyên truyền các chính sách, pháp luật về chủ đề đối thoại.
Theo bà Đàm Thị Hương, Chi hội trưởng phụ nữ xóm Phia Tráng, xã Đức Long, đây là lần đầu tiên nhiều chị em phụ nữ được tham dự hội nghị đối thoại, được phát biểu các ý kiến, bày tỏ tâm tư, nguyện vọng và được các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể trả lời trực tiếp. Hầu hết hội viên phụ nữ mong muốn sẽ có nhiều hội nghị như này được tổ chức để chị em được bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của mình.
Hướng tới mục tiêu bình đẳng giới
Cùng với xã Đức Long, các địa phương trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đã và đang tăng cường tiếng nói, vai trò của phụ nữ DTTS thông qua hoạt động đối thoại chính sách thuộc Dự án 8 của Chương trình MTQG 1719. Qua đó, cấp ủy, chính quyền địa phương nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng, vấn đề từ thực tiễn để quan tâm thực hiện các chính sách của Đảng, Nhà nước.
Theo bà Nguyễn Thị Nguyệt Minh, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Cao Bằng, trong quá trình triển khai nội dung đối thoại chính sách, trên cơ sở thực tế từng địa phương, đơn vị, các cấp Hội lựa chọn chủ đề được nhiều chị em quan tâm để đối thoại như: Một số chính sách liên quan đến phụ nữ và trẻ em về tạo việc làm, học nghề, tham gia hoạt động xã hội, hệ thống chính trị xã hội; vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế - xã hội; công tác phòng chống bạo lực gia đình và bình đẳng giới trên địa bàn xã; phụ nữ với bảo hiểm y tế…
Để các địa phương triển khai hiệu quả nội dung này, từ năm 2023 đến nay, Hội LHPN tỉnh đã chủ trì, phối hợp tổ chức các hội nghị, lớp tập huấn hướng dẫn thực hiện cho 974 đại biểu cấp tỉnh, huyện, xã. Nhờ đó, việc triển khai nội dung đối thoại chính sách ở các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh đều bảo đảm đúng quy định, mang lại hiệu quả thiết thực.
Tại huyện Hà Quảng, theo Chủ tịch Hội LHPN huyện Nông Thị Yến, tính đến tháng 7/2024, huyện tổ chức 25 hội nghị đối thoại chính sách tại 15 xã, thị trấn, thu hút trên 1.500 chị em phụ nữ DTTS tham gia. Đây là cơ hội để phụ nữ được lên tiếng phản ánh, đề đạt những nguyện vọng chính đáng của mình, khẳng định vai trò phụ nữ trong gia đình, xã hội.
“Việc tổ chức đối thoại chính sách là một hoạt động rất thiết thực không chỉ giúp cho cán bộ, hội viên, phụ nữ được lên tiếng đối với những vấn đề phụ nữ quan tâm mà còn thúc đẩy cấp ủy, chính quyền cơ sở nắm bắt thực tiễn cuộc sống về chính sách đổi với phụ nữ và trẻ em để quan tâm giải đáp các thắc mắc, nguyện vọng chính đáng và thực hiện tốt các chính sách và tuyên truyền pháp luật hiệu quả về bình đẳng giới. Tại các cuộc đối thoại, các bên cung cấp, chia sẻ thông tin, kiến thức để kết nối và hỗ trợ nhau thực hiện các nhiệm vụ, thúc đẩy vai trò thực thi các chính sách tại địa phương”, bà Yến chia sẻ.
Theo đánh giá của Hội LHPN tỉnh Cao Bằng, đối thoại chính sách là hoạt động góp phần quan trọng tăng cường tiếng nói, vai trò của phụ nữ DTTS trên địa bàn tỉnh. Đây là diễn đàn ý nghĩa để chị em phụ nữ, hội viên DTTS ở vùng sâu, vùng xa, biên giới mạnh dạn lên tiếng đề đạt tâm tư, nguyện vọng và vấn đề còn băn khoăn, vướng mắc.
Thông qua đối thoại chính sách, các cấp, ngành, chính quyền địa phương và các cấp hội Phụ nữ trên địa bàn tỉnh kịp thời nắm bắt và giải đáp, tuyên truyền để hội viên phụ nữ DTTS và các tầng lớp Nhân dân nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về bình đẳng giới, từ đó tạo điều kiện cho phụ nữ DTTS vươn lên bình đẳng trong gia đình và xã hội, góp phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Trong Kế hoạch số 2956/KH-UBND về thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2030, tỉnh Cao Bằng phấn đấu đến năm 2030 giảm số giờ trung bình làm công việc nội trợ và chăm sóc trong gia đình không được trả công của phụ nữ 1,4 lần so với nam giới; đến năm 2030 đạt 90% người bị bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện được tiếp cận ít nhất một trong các dịch vụ hỗ trợ cơ bản; đến năm 2030 đạt 70% người gây bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện ở mức chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự được tư vấn, tham vấn.