Các mô hình góp phần thúc đẩy bình đẳng giới
“Địa chỉ tin cậy”, là nơi trợ giúp pháp lý cho chị em phụ nữ; tiếp nhận, hỗ trợ và thông báo kịp thời cho nạn nhân bị bạo lực; bảo đảm an toàn, bí mật cho nạn nhân và người báo tin;… Đây cũng là nơi để các hội viên phụ nữ gặp gỡ, chia sẻ, tháo gỡ những mối bất hòa trong cuộc sống gia đình, đặc biệt là quan hệ vợ chồng.
Điển hình như mô hình “Địa chỉ tin cậy” của xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang. Dù mới được thành lập hơn 1 năm, nhưng đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần kéo giảm tình trạng bạo lực gia đình, nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ hạnh phúc gia đình, được chính quyền địa phương và cộng đồng đánh giá cao.
Chị Đinh Thị Kháp, Chủ tịch Hội LHPN xã, thành viên mô hình “Địa chỉ tin cậy” xã Kông Lơng Khơng, cho hay: “Địa chỉ tin cậy” của xã Kông Lơng Khơng có sự tham gia tích cực của các ban, ngành, đoàn thể trong hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình thông qua việc tuyên truyền và hỗ trợ kịp thời cho các địa chỉ tin cậy khi cần thiết.
Từ đó, đã tạo niềm tin cho nạn nhân khi đến với địa chỉ. Đến nay, mô hình “Địa chỉ tin cậy” đã hòa giải 2 vụ việc có liên quan đến bạo lực gia đình, các mâu thuẫn trong gia đình, tư vấn, trợ giúp cho nhiều chị em gặp các vấn đề khó khăn trong cuộc sống...
Nhằm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân, cũng như xóa bỏ định kiến về giới, tập tục, thói quen có hại cho phụ nữ, trẻ em, tháng 10/2023, Tổ truyền thông cộng đồng làng Kuk Tung, xã Tơ Tung được thành lập, với 7 thành viên.
Đây là những Người có uy tín trong cộng đồng, có kỹ năng tuyên truyền, vận động quần chúng chấp hành pháp luật, phòng - chống tảo hôn và HNCHT, phòng - chống bạo lực gia đình, kịp thời giải quyết các vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em. Qua đó, góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại.
Anh Đinh Tái, thành viên Tổ truyền thông cộng đồng, làng Kuk Tung kể: Tôi cùng các thành viên trong Tổ tích cực tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nếp nghĩ cách làm, xoá bỏ các hủ tục còn tồn tại trong làng như: không tảo hôn, không tự tử và động viên phụ nữ tham gia công tác xã hội để họ tự tin thể hiện bản thân mình, góp sức xây dựng gia đình, làng mình phát triển.
Nâng cao năng lực triển khai cho các mô hình
Với đặc thù huyện có 12 xã/14 xã, thị trấn thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi, trong đó, có 1 xã đặc biệt khó khăn; 33 thôn, làng đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS, Hội LHPN huyện Kbang đã tích cực triển khai Dự án 8 về "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em", thuộc Chương trình MTQG 1719. Đến nay, Hội LHPN huyện đã thành lập 22 tổ truyền thông cộng đồng, với 159 thành viên; thành lập 8 địa chỉ tin cậy tại 8 xã, với hơn 200 thành viên; 2 Câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự thay đổi với 60 thành viên.
Nhằm nâng cao năng lực triển khai cho các mô hình, câu lạc bộ thúc đẩy bình đẳng giới, Hội LHPN huyện Kbang đã tổ chức 10 lớp tập huấn nâng cao năng lực, hướng dẫn vận hành và quản lý tổ truyền thông cộng đồng cho 680 đại biểu tại 05 xã, thị trấn thực hiện Dự án 8.
Đồng thời, tổ chức 8 Hội nghị tập huấn hướng dẫn ra mắt và hoạt động Địa chỉ tin cậy và phổ biến các văn bản liên quan đến bạo lực gia đình với 400 đại biểu tham gia; Tổ chức 5 lớp tập huấn nâng cao năng lực thực hiện lồng ghép giới cho già làng, trưởng thôn, Người có uy tín trong cộng đồng cho 500 đại biểu; Tổ chức chiến dịch truyền thông, truyền thông lồng ghép tuyên truyền phụ nữ DTTS sinh đẻ an toàn và chăm sóc sức khỏe trẻ em tại xã Kông Lơng Khơng…
Bà Đinh Thị Triết, Chủ tịch Hội LHPN huyện Kbang, tỉnh Gia Lai cho biết: Thời gian qua, với sự quyết tâm của Hội LHPN huyện cùng sự đồng hành, hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương và các cấp Hội LHPN trên địa bàn, đến nay Dự án 8 đã mang lại nhiều chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của người dân.
Thông qua công tác truyền thông, lớp tập huấn và hoạt động của các mô hình, bà con được nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, khuôn mẫu giới. Đội ngũ cán bộ thôn, làng đã tiếp cận tốt các kiến thức, kỹ năng, tự tin, mạnh dạn trong công tác truyền thông. Qua đó, góp phần quan trọng trong việc thay đổi nếp nghĩ cách làm trong cộng đồng, tạo điều kiện cho phụ nữ và trẻ em đồng bào DTTS phát triển toàn diện, có cuộc sống tốt hơn, bình đẳng hơn.