Chưa có thuốc điều trị
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, từ cuối năm 2017 đến nay, đã có 17 quốc gia và vùng lãnh thổ của châu Âu và châu Á ghi nhận dịch tả lợn châu Phi, với tổng số lợn phải tiêu hủy là hơn 500.000 con. Tại Trung Quốc, từ đầu tháng 8 đến nay đã ghi nhận 14 ổ dịch, với tổng số hơn 38.000 con lợn mắc bệnh phải tiêu hủy.
Ông Đàm Xuân Thành, Phó cục trưởng Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Dịch tả lợn châu Phi hiện chưa có vắc-xin và thuốc điều trị, lợn mắc dịch bệnh này chết với tỷ lệ gần như 100%. Bệnh dịch tả lợn châu Phi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra, bệnh có đặc điểm lây lan nhanh, xảy ra ở mọi lứa tuổi và mọi loại lợn. Biểu hiện của bệnh là lợn bị sốt cao, nhưng không có triệu chứng đáng chú ý nào trong vài ngày đầu. Sau đó, lợn bỏ ăn và chết.
Ở những con lợn màu trắng, các chi có thể chuyển sang màu xanh tím và xuất huyết trở nên rõ ràng trên tai và bụng. Các nhóm lợn bị nhiễm bệnh nằm lộn xộn cùng nhau run rẩy, thở bất thường, và đôi khi ho. Nếu buộc phải đứng, lợn đứng không vững. Trong vòng vài ngày sau khi nhiễm trùng, lợn lịm dần đi rồi chết. Đối với lợn nái đang mang thai sẽ xẩy thai tự phát. Lợn nhiễm trùng nhẹ thì bị tụt cân và xuất hiện các triệu chứng như, loét da và sưng khớp…
Thời gian ủ bệnh từ 3-15 ngày. Loại virus này lây nhiễm qua đường hô hấp và tiêu hóa, thông qua sự tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với các vật thể nhiễm virus như: chuồng trại, phương tiện vận chuyển, dụng cụ, đồ dùng và ăn thức ăn thừa từ những con lợn nhiễm bệnh hoặc bị ve mềm cắn.
Tăng cường đề phòng
Trước những diễn biến nhanh chóng của dịch tả lợn châu Phi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo, các địa phương cần đề cao cảnh giác. Người chăn nuôi và chính quyền địa phương các cấp, nếu phát hiện lợn bệnh hoặc nghi nhiễm bệnh, bị chết cần báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan chức năng nơi gần nhất. Việc giấu dịch, giữ lợn bệnh để tự điều trị là một trong những nguyên nhân dẫn đến dịch bùng phát, khó khống chế và kiểm soát dịch.
Để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, người tiêu dùng cần mua sản phẩm từ lợn có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và phải nấu chín kỹ trước khi dùng. Vì virus dịch tả lợn có khả năng chịu được nhiệt độ rất cao; đặc biệt là trong các sản phẩm thịt lợn sống hoặc nấu ở nhiệt độ không cao, có thể tồn tại được trong thời gian từ 3 đến 6 tháng; virus chỉ có thể bị tiêu diệt ở nhiệt độ 56 độ C trong 70 phút hoặc 60 độ C trong 20 phút.
Xác định rõ sự nguy hiểm nếu để đàn lợn nhiễm bệnh, mới đây tại Hội nghị trực tuyến triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trong thời tiết thu đông, Bộ trưởng Bộ Nông nghiêp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đề nghị, tất cả các bộ, ngành, địa phương phải vào cuộc để kịp thời ngăn chặn không cho dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào nước ta, với biện pháp quan trọng nhất hiện nay là chủ động phòng bệnh. Đầu tiên là các bộ, ngành có liên quan, sau đó là các tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, hoàn chỉnh đề án phòng, chống dịch bệnh động vật trong thời tiết thu đông và cảnh giác cao với loại dịch tả lợn châu Phi từ nay đến cuối năm.
Để thực hiện hiệu quả việc phòng bệnh, Bộ này yêu cầu, tăng cường hướng dẫn hệ thống ngành dọc, các đơn vị cấp dưới có yêu cầu về kỹ thuật phải được đáp ứng ngay. Thời gian tới, tổ chức các đoàn kiểm tra Trung ương đi các tỉnh, thành phố, các cơ sở sản xuất lớn để kiểm tra, đánh giá, đặc biệt tuyến kiểm soát biên giới-khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao nhất.
Bộ trưởng nhấn mạnh: Trong thời gian tới, chúng ta cần tăng cường công tác hợp tác quốc tế với Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp quốc (FAO), Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) để liên tục có thông tin, kinh nghiệm, khuyến nghị từ các nước xung quanh. Mặc dù công tác phòng, trừ dịch bệnh chăn nuôi là phức tạp, nhưng nếu đồng lòng, đồng bộ thì nền sản xuất trong nước sẽ giảm được rủi ro cao nhất.
HIẾU ANH