Dự án do Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP. Cần Thơ phối hợp Viện Nghiên cứu lúa gạo Quốc tế ((IRRI) tiến hành nghiên cứu thực nghiệm thí điểm khuyến khích kinh tế đối với nông dân thực hành sản xuất lúa theo gói canh tác “1 phải, 5 giảm” và giảm phát thải khí nhà kính, tại xã Thạnh Lợi, huyện Vĩnh Thạnh, TP. Cần Thơ. Đã có 4 Hợp tác xã được lựa chọn tham gia thực hiện nghiên cứu, từ tháng 12/2023 đến 4/2024.
Theo đánh giá của nông dân Cần Thơ, khi thực hiện quy trình canh tác của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Cần Thơ và IRRI, lượng giống gieo sạ giảm còn 80kg/ha, lượng phân bón hóa học giảm khoảng 15%, lượng thuốc bảo vệ thực vật giảm khoảng 20%, và trong canh tác đã giảm 50% lượng nước. Đặc biệt, khi đưa rơm ra khỏi đồng ruộng để trồng nấm, làm phân hữu cơ đã tăng thêm thu nhập cho người dân. Qua đánh giá mỗi 1ha canh tác theo quy trình 1 phải 5 giảm và giảm phát thải khí nhà kính thì người dân tăng thêm lợi nhuận từ 15 - 20% so với canh tác truyền thống.
Mới đây Cần Thơ đã thu hoạch mô hình thí điểm 50ha triển khai theo đề án phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL. Đánh giá từ mô hình cho thấy khi năng suất, chất lượng lúa tăng, và đã chứng minh giảm phát thải khí nhà kính, hiện Cần Thơ đang tập trung triển khai, nhân rộng đề án trên địa bàn theo kế hoạch đã cam kết với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Đây là lần đầu tiên người dân được nhận tiền thưởng từ việc tham gia quy trình canh tác lúa, giảm phát thải khí nhà kính trên địa bàn TP. Cần Thơ. Điều này nhằm động viên, khích lệ các người dân tham gia canh tác lúa hướng đến sản xuất lúa chất lượng, giảm phát thải, giảm ô nhiễm môi trường, góp phần thực hiện thành công đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao tại Khu vực ĐBSCL.