Xã biên giới A Dơi, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) có đông đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Cô sinh sống. Toàn xã có 6 thôn thì cả 6 thôn đều thuộc diện đặc biệt khó khăn, trên 46% dân số thuộc diện hộ nghèo. Sau 10 năm xây dựng NTM, đến nay xã mới chỉ đạt 9/19 tiêu chí. Trăn trở lớn nhất của chính quyền xã A Dơi là làm sao để cải thiện đời sống của người dân. Trong khi, cuộc sống chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, nghịch lý là địa phương chưa hề có hình thức tổ chức sản xuất.
Cái khó ở A Dơi là thu nhập của người dân chủ yếu từ làm rẫy, trồng sắn, chuối, bình quân mỗi năm chỉ đem lại khoản thu 7 triệu đồng/người/năm. Trong đó, các thôn giáp biên như A Dơi Cô, A Dơi Đớ, Xa Doan chỉ có mức thu nhập bình quân đầu người ở mức 6 triệu đồng/năm, còn xa mới đạt tới mức 25 triệu đồng năm 2020 như tiêu chí chung xây dựng NTM của tỉnh.
Đó chính là lý do khiến trong tổng số vốn huy động thực hiện xây dựng NTM giai đoạn 2016 - 2019 của xã A Dơi là 57,5 tỷ đồng thì toàn bộ đều là ngân sách Trung ương đầu tư. Nguồn vốn lồng ghép các dự án khác và nguồn vốn Nhân dân đóng góp đều là con số 0. Nội lực duy nhất được ghi nhận là có 8 hộ dân tự nguyện hiến hơn 3.600m2 đất làm đường giao thông và công trình trường học.
Nêu lên như vậy để thấy rằng, cái đích đạt 19/19 tiêu chí NTM là quá xa vời đối với xã biên giới này. Khi nội lực không có, để xây dựng NTM, xã A Dơi rất cần một “cú hích” thực sự từ ngoại lực, đó là cơ chế, chính sách đặc thù cho xã thuộc “vùng trũng” trong thực hiện các tiêu chí.
(Chuyên mục có sự phối hợp của Văn phòng điều phối NTM Trung ương)