Củ đậu được trồng ở khá nhiều nơi cho hiệu quả kinh tế caoThời vụ trồng
Củ đậu có thể trồng nhiều vụ trong năm.
Vụ Xuân trồng tháng 2, 3 sẽ thu hoạch tháng 5, 6
Vụ Hè trồng tháng 4,5 sẽ thu hoạch tháng 7, 8
Vụ Thu Đông: trồng tháng 7, 8, 9 sẽ thu hoạch tháng 10 cho đến sau Tết nguyên đán.
Vụ chính cho năng suất cao nhất và chất lượng tốt nhất là vụ Xuân và Thu Đông.
Kỹ thuật trồng cây củ đậu hiệu quả
Kỹ thuật trồng cây củ đậu có 2 phương pháp chính là bằng hom giống, hay trồng bằng hạt. Tuy nhiên thông thường nên trồng bằng hạt giống củ đậu cây cho năng suất cao hơn, đơn giản hơn và đỡ tốn công hơn.
Để trồng cây củ đậu năng suất bạn nên chọn ruộng trồng là ruộng không trũng, đầy đủ ánh sáng, tưới tiêu thuận lợi, không bị úng, hạn. Cây củ đậu có thể trồng trên rất nhiều loại đất nhưng thích hợp nhất là đất cát pha, đất thịt nhẹ tơi xốp, chủ động nước, thoát nước nhanh, không bị úng.
Trước khi gieo hạt giống củ đậu cần làm đất tơi xốp, cày bừa đất bón lót vôi trộn với phân chuồng ủ hoai, phơi ải ít nhất 1 tuần. Sau đó làm tơi đất và lên luống.
Tiến hành lên luống, rạch hàng, bón lót lần 2 bằng phân chuồng ủ hoai xuống từng luống rồi lấp phân bằng đất nhỏ. Sau lên luống làm hàng thì tưới nước vừa đủ ẩm.
Gieo hạt giống củ đậu lên mặt đất, ấn nhẹ hạt dính vào đất để khi tưới nước hạt không bị trôi, hạt giống củ đậu được đặt nằm ngang đều và so le nhau, hạt cách hạt từ 8 – 10cm. Sau đó rắc một lớp đất bột mỏng lên hạt rồi dùng rơm rạ băm nhỏ phủ đều luống và tưới ẩm.
Chú ý cần phải tưới đều đặn 1 – 2 lần/ngày, đảm bảo đất luôn ẩm để hạt có điều kiện tốt để nảy mầm. Khoảng 7 – 10 ngày sau gieo củ đậu sẽ nảy mầm và ra lá.
Để cho cây củ đậu tập trung dinh dưỡng nuôi củ, cần bấm ngọn, cắt tỉa bớt thân lá. Thời điểm thích hợp nhất để bấm ngọn lần đầu chính là sau trồng khoảng 1 tháng. Cùng thời điểm này, cần kết hợp bón thúc phân NPK. Việc bấm ngọn này sẽ lặp đi lặp lại nhiều lần, cách nhau 7 – 10 ngày cho đến lúc thu hoạch củ đậu.
Muốn cây chuyển nhanh từ giai đoạn sinh trưởng thân lá sang phát triển củ, thì khi thấy cây bắt đầu bói hoa, bạn dùng dao, kéo cắt hết hoa, nụ, lộc non vươn dài khỏi mặt luống.
Phân bón là yếu tố quan trọng làm tăng năng suất cây củ đậu. Bón phân hợp lý cho cây củ đậu cần phải dựa vào đặc điểm các thời kỳ sinh trưởng, phát triển của từng loại giống, tính chất đất đai, điều kiện khí hậu của từng mùa vụ cụ thể và đặc điểm của từng loại phân bón.
Lượng phân bón (tính cho 1.000m2): Phân chuồng hoai mục 700 - 800kg. Phân lân 55 - 70kg. Phân đạm 8 - 13 kg. Phân kaly 11 - 14kg.
Cách bón:
Bón lót: Bón toàn bộ phân chuồng, phân lân và 1,6 - 2,6 kg phân đạm, 2,2 - 2,8 kg kali
Bón thúc chia làm 2 lần:
Lần 1: Cây cao khoảng 15 - 20cm bắt đầu tiến hành bón phân đạm 3,2 - 5,2kg, phân kaly 4,4 - 5,6kg bón vào giữa 2 hàng cây sau đó lấy đất nhỏ rải lấp phân lại, không bón phân trực tiếp vào gốc và lá cây, để tránh phân bám vào cây và lá nên bón khi cây đã khô ráo không còn sương đọng.
Lần 2: Sau bón thúc lần 1 khoảng 10 - 15 ngày bón hết số phân còn lại, cách bón tương tự như lần 1.
Nếu trồng củ đậu, củ sắn trong xô chậu hoặc thùng xốp thì phải chọn loại chậu có độ sâu 30cm trở lên và rộng 30 x40 cm trở lên, đáy chậu phải thoát nước để đảm bảo củ đậu được phát triển tốt nhất.
Phòng trừ sâu bệnh
Sâu thường ít bị phá hoại ở các vụ trồng vì cây củ đậu có khả năng tự vệ tốt với bộ lông tơ trắng, dài khoảng 0,1 - 0,2cm mọc dày ở các lá non và ngọn vì nó có độc tố; Nếu sâu và côn trùng ăn phải sẽ bị ngộ độc và chết.
Tuy nhiên, vẫn có những bệnh gây hại sau làm ảnh hưởng đến năng suất trồng:
Thối ngọn: Thấy ngọn xù, đứng lại và thối đen rồi có mùi hắc; Nguyên nhân là do độ ẩm tăng cao quá yêu cầu cầu của cây, thoát nước kém kết hợp với nắng sẽ gây ra bệnh. Phòng trừ chủ yếu là tưới, tiêu nước đúng thời kỳ và đảm bảo độ ẩm thích hợp.
Vàng lá: Nếu thấy lá vàng trên lá có các vết từ xám, nâu và đen là do bệnh; Nguyên nhân do nấm phá hoại. Phòng trừ dùng Amon và Zizommin pha tỷ lệ 0,1 - 0,5% phun 2 lần/ngày.
Thu hoạch, bảo quản
Khi thấy có 1/3 lá vàng trên cây đến thời điểm cho thu hoạch, tránh để quá già làm củ xơ và không ngọt; Chọn ngày khô ráo tiến hành thu hoạch, không cắt dây mà chỉ cần cuốc theo hàng, nhấc nhẹ giũ sạch đất tập trung để phân loại củ và bó từng bó nhỏ sau đó cắt dây cách củ khoảng 5-10cm để cho việc vận chuyển và bảo quản.
Sau khi thu hoạch củ đậu, tốt nhất là sử dụng ngay để đảm bảo chất lượng; Nếu vận chuyển phải xếp củ đậu vào các sọt thưa, thoáng tránh để yếm khí củ hấp hơi nước gây ra làm thối củ, ảnh hưởng đến chất lượng; Nếu để bảo quản lâu nên xếp trên giàn thoáng, xa mặt đất tránh tiếp xúc hấp hơi nước. Thời gian bảo quản 5-7 ngày để lâu sẽ bị sơ hóa, mất nước.